Nhiều người trẻ mắc bệnh 'quên đường về'
Căn bệnh tưởng chừng chỉ xuất hiện ở người già thì hiện nay lối sống thay đổi đã khiến tình trạng người trẻ mắc bệnh này ngày càng tăng lên.
Còn trẻ đã 'quên đường về'
Alzheimer là căn bệnh mất trí nhớ của người già nhưng nhiều năm gần đây căn bệnh này đã được ghi nhận đang trẻ hoá.
Anh Vũ Văn Hà (31 tuổi, trú tại TP.HCM) tìm tới bác sĩ khám bệnh vì anh thường nhớ nhớ quên quên. Anh Hà cho biết anh bị chứng bệnh này khoảng 1 năm nay. Mỗi lần ra khỏi nhà anh chợt nghĩ không biết đã khoá cửa hay chưa nên lại quay về thì nhà đã khoá cửa rồi.
Thậm chí, có những con đường anh đã đi rất nhiều lần nhưng lại không nhớ rõ phải dừng lại một lúc để định hình lại. Những ngày đầu, anh Hà còn nghĩ có thể do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng tình trạng này không thay đổi. Có lúc anh bật bếp nấu nước để pha mì tôm thì lại đi tắm tới khi thấy khô cả nước trong nồi mới nhớ mình vừa nấu nước.
Cũng giống anh Hà, chị Bùi Việt Anh (41 tuổi, trú tại Bình Chánh, TP.HCM) cũng đến khám bệnh vì chứng “quên lối về”. Chị Anh cho biết nhiều lần trên đường về phải đón con thì chị đi thẳng về tới nhà. Có lúc ngồi xem điện thoại chán chê mới nhớ mình chưa đón con lại phải quay lại trường.
Tình trạng này xảy ra rất phổ biến. Gần đây trong công việc gặp nhiều khó khăn, chị không nhớ công việc của mình thậm chí hồ sơ, sổ sách để ở chỗ này nhưng lại quên vị trí, lục tìm cả nhà không thấy.
Khổ nhất, chị Hà hay quên chìa khoá, vé xe, ví tiền… chồng chị lo lắng chưa già đã lú nên động viên chị Hà đi khám sức khoẻ sớm vì sợ mắc Alzheimer.
TS.BS Trần Công Thắng, Trưởng đơn vị Trí nhớ và Sa sút trí tuệ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Phó chủ tịch hội Alzheimer Việt Nam, cho biết nhiều bệnh nhân còn trẻ như anh Hà đã bị mất trí nhớ. Trường hợp như anh Hà bác sĩ gặp thường xuyên. Các biểu hiện này nằm ở nhóm kém chú ý tập trung, các việc bạn làm không được ghi lại trong não. Biểu hiện kém chú ý tập trung là biểu hiện sớm nhất của chứng hay quên và khi các biểu hiện này thường xuyên xảy ra về lâu dài sẽ chuyển thành bệnh Alzheimer.
Bệnh Alzheimer là bệnh người dân cho rằng bệnh lú lẫn tuổi già hoặc đây là diễn tiến bình thường nhưng hiện nay trên thế giới Alzheimer xếp vào bệnh hàng đầu gây tàn phế và mất chức năng của người bệnh.
TS Thắng chia sẻ về bệnh lý Alzheimer. |
Mức độ của bệnh Alzheimer hiện nay, theo TS Thắng, trên toàn thế giới cứ 3 giây có 1 người mắc Alzheimer, số lượng người mắc Alzheimer rất lớn. Người ta nghiên cứu thống kê dự đoán khoảng 50 triệu người mắc Alzheimer (năm 2015).
Còn tại Việt Nam, đang bước vào giai đoạn dân số già thì 100 triệu dân tỷ lệ Alzheimer chiếm khoảng 5% người dân trên 60 tuổi, tương đương 500 nghìn người mắc bệnh này.
Mặc dù bệnh ở người trên 60 tuổi nhưng người ta thấy chỉ 40 tuổi đã có biểu hiện suy giảm trí nhớ.
Alzheimer là bệnh của não bộ. Bình thường bộ não do hệ thần kinh liên kết với nhau các chức năng nhận thức từ lời nói, hoạt động. Khi cơ thể thoái hoá, sinh ra các sản phẩm có độc làm tế bào chết, không liên kết được khiến người ta sinh ra các triệu chứng như quên quên, nhớ nhớ và lâu dài thành Alzheimer.
Theo TS Thắng, nguyên nhân của bệnh Alzheimer được xác định có thể là do di truyền chấn thương đầu, các bệnh lý về mạch máu và lão hóa, đặc biệt là stress.
Dấu hiệu của bệnh Alzheimer
Bệnh có các triệu chứng đó là hay quên. Đầu tiên, người bệnh hay gặp nhất đó là bạn dự định làm gì nhưng lại quên, từ việc quên đổ xăng hay quên mua món đồ gì đó. Khi về đến nhà mới nhớ mình đã quên. Nếu quên lâu lâu xảy ra thì không coi là suy giảm trí nhớ nhưng thường xuyên quên hơn thì đó là những biểu hiện đầu tiên của Alzheimer.
Sau quên, người bệnh bắt đầu quên về mặt ngôn ngữ như quên tên của người lâu lâu mới gặp. Người bệnh có biểu lộ quên đồ như quên chìa khoá xe đôi khi bạn tìm cả nhà không thấy hay còn gọi quên trong không gian, mất định hướng trong không gian, giảm khả năng lên kế hoạch hàng ngày. Thậm chí, một người đi làm quên liên tục, bà nội trợ bật bếp lên rồi quên mất.
'Khi tình trạng quên này xảy ra ảnh hưởng tới hành vi của họ thậm chí cả nhà xáo xào vì quên mất, ảnh hưởng tới cả sinh hoạt của gia đình. Khi bệnh nặng, người bệnh có biểu hiện nhớ nhớ, quên quên không ăn, không tắm và người bệnh hay tử vong vì nhiễm trùng', BS Thắng cho biết.
Trong đại dịch Covid-19, các nghiên cứu chỉ ra rằng người mắc bệnh sa sút trí tuệ, đặc biệt là Alzheimer có nguy cơ tử vong gấp 3 lần khi mắc Covid-19 và gấp 6 lần nếu trên 80 tuổi.
Một nghiên cứu mới gần đây về nguy cơ gia tăng mức độ nghiêm trọng khi nhiễm Covid-19 đối với những người bị sa sút trí tuệ đã được thực hiện tại Brazil.
Kết quả cho thấy, tất cả các nguyên nhân gây sa sút trí tuệ, đặc biệt là Alzheimer được xem là yếu tố nguy cơ hàng đầu làm tăng mức độ nghiêm trọng và gây tử vong khi nhiễm Covid-19. Nguy cơ này sẽ cao hơn nếu người bệnh mắc một số bệnh lý đi kèm như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì và ung thư.
Vì vậy, từ khi còn trẻ bạn phải có các biện pháp phòng mất trí nhớ để về già không mắc Alzheimer như tăng cường tập thể dục thể thao, không hút thuốc lá, ăn uống khoa học tránh bệnh tim mạch, đái tháo đường....
TS Thắng cho biết hiện nay tổ chức Alzheimer thế giới chọn tháng 9 là tháng Alzheimer và ngày 21/9 là ngày Alzheimer để nhắc nhở mọi người nhận biết và phòng ngừa sớm bệnh Alzheimer.
Khánh Chi
9 loại thực phẩm giúp trí nhớ tốt, giữ gìn tuổi thanh xuân
Nếu bạn hay nhớ nhớ quên quên thì hãy tăng cường các thực phẩm sau đây vào chế độ ăn uống hàng ngày để giúp có một trí nhớ tốt.