Chuyên gia chỉ ra những điểm 'cốt tử' kiểm soát dịch Covid-19
Để dự phòng và kiểm soát bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, PGS. TS Phan Trọng Lân cho rằng cần tập trung vào 3 mắc xích quan trọng - nguồn lây nhiễm, đường lây truyền, người cảm nhiễm.
PGS. TS Phan Trọng Lân |
GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết hiện nay các tác động của biến thể SARS-CoV-2 chủ yếu trên 5 phương diện - khả năng lây lan, độ nặng của bệnh, công tác xét nghiệm, tránh miễn dịch, và điều trị.
Trong đó, đối với phương diện khả năng lây lan - mức độ lây lan của các biến thể có sự khác nhau, qua nghiên cứu cho thấy rằng biến thể B.1.1.7 (ở Anh) có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70% so với các biến thể cũ, nghĩa là một người đã mắc bệnh với biển thể cũ trung bình sẽ lây cho 2 đến 4 người khác, với biến thể B.1.1.7 có thể lây cho đến 7 người khác.
Các biến thể khác như B.1.351 (Nam Phi), P.1 (Brazil), B.1.617 (Ấn Độ) cũng được WHO báo cáo rằng có khả năng gia tăng sự lây nhiễm. Do vậy, nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn thì khả năng lây lan dịch tăng theo cấp số nhân.
Về độ nặng và điều trị: Theo báo cáo từ WHO và CDC Hoa Kỳ, biến thể B.1.1.7 (ở Anh) có khả năng liên quan đến việc tăng độ nặng và khả năng tử vong.
Theo WHO, biến thể B.1.351 (Nam Phi) cũng có khả năng gia tăng nguy cơ tử vong trong bệnh viện và biến thể P.1 (Brazil) có khả năng gia tăng nguy cơ nhập viện. Mặt khác, theo ước tính về sự lây truyền vi rút ở Mỹ, tỷ lệ nhiễm bệnh không triệu chứng là 30%; nghĩa là có khoảng 70% bệnh nhân sẽ phát triển triệu chứng sau nhiễm SARS-CoV-2.
Ở những người có triệu chứng, trong đó có khoảng 20% mắc bệnh nặng và có 5% là rất nặng (sốc, rối loạn chứng năng đa cơ quan, suy hô hấp…).
Do đó, nếu số ca mắc tăng lên nhiều thì sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế, từ đó dẫn đến tăng số ca tử vong.
Để dự phòng và kiểm soát bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, PGS. TS Phan Trọng Lân cho rằng cần tập trung vào 3 mắc xích - nguồn lây nhiễm, đường lây truyền, người cảm nhiễm.
Đối với việc bảo vệ người cảm nhiễm bằng vắc xin, hiện nay, Chính phủ, Bộ Y tế đang nỗ lực để có vắc xin cho người dân và dựa trên hệ thống tiêm chủng sẽ nhanh chóng tiêm cho người trong diện tiêm chủng. Cần phải tiêm sớm và tiêm đủ liều theo hướng dẫn của Bộ Y tế để có đủ miễn dịch bảo vệ. Khi tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, không chỉ giúp cho cá nhân được bảo vệ bệnh nặng, tử vong mà còn giảm sự lây nhiễm SARS-CoV2, ngăn lây lan và phát sinh các biến thể mới.
Đối với nguồn lây nhiễm, hiện nay, nước ta đã kiểm soát chặt chẽ các ca nhập cảnh theo đường chính ngạch, tuy nhiên, việc kiểm soát nhập cảnh trái phép, nhất là với những đối tượng chỉ quá cảnh qua Việt Nam, nếu không phát hiện được sẽ hoàn toàn mất dấu, khó kiểm soát nguồn lây; chưa kể việc không tuân thủ trong các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, là có thể xuất hiện các trường hợp F0, đặc biệt, khoảng 60% trường hợp mang vi rút, không có biểu hiện bệnh, không biết mình mang vi rút đi lại sẽ làm bệnh dễ dàng lây lan và khó phát hiện.
Với các ca F0 phát hiện trong cộng đồng, chúng ta đã ngay lập tức điều tra, truy vết, khoanh vùng và cách ly người tiếp xúc (F1).
Theo nghiên cứu, để kiểm soát phần lớn ổ dịch, khi chỉ số lây nhiễm cơ bản (Ro) là 2,5, cần phải truy vết ít nhất 70% tổng số người tiếp xúc; còn khi Ro là 3,5 cần phải truy vết ít nhất 90% tổng số người tiếp xúc.
Cần đeo khẩu trang ngay cả nơi làm việc
Đợt dịch này số ca mắc rất lớn và các chùm ca bệnh đều lây lan trong bệnh viện, nơi làm việc, hội họp. Các chuyên gia khuyến cáo cần đeo khẩu trang ngay cả khi làm việc.
Nếu biến thể mới, có thể lây nhiễm đến 7 người khác, thì việc truy vết, phải ở mức cao hơn nữa. Do đó, việc giám sát toàn diện, phát hiện và “thần tốc, thần tốc và thần tốc” chủ động tấn công, không để sót ca nào. Thực tế cho thấy, nếu giải quyết được triệt để F0 và F1 trong vòng 24 giờ thì sẽ giúp hạn chế tối đa cơ hội lây lan thứ cấp tiếp theo.
Đối với cắt đứt đường lây truyền: Dù các biến thể hiện nay gây lây lan nhanh, cách ly vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để giảm, cắt đứt đường lây của SARS-CoV2. Việc cách ly, giảm sự lây lan vi rút là từ đeo khẩu trang, khoảng cách, cách ly kiểm dịch, cách ly y tế cho đến giãn cách xã hội.
Đối với cách ly kiểm dịch (F1, F2, cách ly tập trung, cách ly ở nhà) là người khoẻ, do đó việc tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc cách ly, giữ khoảng cách giữa người với người là hết sức quan trọng; nếu nguyên tắc này không đảm bảo thì có tác dụng ngược, vì những người nguy cơ cao tiếp xúc thì dễ lây cho nhau.
Để vi rút SARS-CoV 2 lan rộng cần dựa vào “sự kiện siêu lây nhiễm”, không phải bắt đầu từ một người như chúng ta thường nghe giải thích, họ mang một số lượng vi rút đặt biệt lớn và do đó lây nhiễm cho nhiều người.
Đúng hơn là siêu lây nhiễm do các hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút lây lan. Nếu tổ chức buổi tiệc và mời 30 người khách, với những hành vi nguy cơ cao trong các bữa tiệc, sự kiện như: giao lưu đi lại nhiều, tụ tập đông người; ở lại lâu trong các môi trường, không gian kín, kém thông khí, nói to, trong thời gian lâu... là hành vi làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, đó có thể là sự kiện siêu lây lan.
Nếu chúng ta ngăn được các sự kiện siêu lây nhiễm như vậy, các vụ dịch khó có cơ hội bùng phát.
Mỗi người dân cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ này. Nếu mỗi người dân đều thực hiện nghiêm quy tắc 5K: Đeo Khẩu trang – Khử khuẩn – Giữ Khoảng cách an toàn – Không tập trung – Khai báo y tế thì cho dù là biến thể nào của SARS-CoV-2 cũng khó có khả năng lây lan.
Hoài Thương – Khôi Nguyễn