Cần đeo khẩu trang ngay cả nơi làm việc
Đợt dịch này số ca mắc rất lớn và các chùm ca bệnh đều lây lan trong bệnh viện, nơi làm việc, hội họp. Các chuyên gia khuyến cáo cần đeo khẩu trang ngay cả khi làm việc.
Cần đeo khẩu trang ngay cả nơi làm việc
Đến ngày 26/5, Hà Nội ghi nhận 37 ca mắc Covid-19 liên quan tới chùm ca bệnh tại Times City và tòa nhà T&T. Theo sơ đồ lây nhiễm được CDC Hà Nội cung cấp, có 3 địa điểm đã ghi nhận ca bệnh liên quan đến chùm này, là tòa nhà T&T ở số 2 Phạm Sư Mạnh (Q.Hoàn Kiếm), tòa Park 11, khu đô thị Times City (Q.Hoàng Mai) và Tương Mai (Q.Hoàng Mai).
Tòa nhà T&T là nơi ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất, với 26 bệnh nhân, khiến các nhà chuyên môn đang nghiêng về giả thiết đây là nơi khởi phát dịch, với khoảng thời gian lây nhiễm là từ ngày 9 đến 22/5.
Ca bệnh chỉ điểm hiện nay được xác định là bệnh nhân 5243 (Đ.B.L), dù con trai bệnh nhân mới là người được phát hiện dương tính đầu tiên qua sàng lọc của trường cháu đang theo học.
PGS TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi trung ương cho biết đến thời điểm hiện tại thì chúng ta phải đeo khẩu trang mọi nơi mọi lúc ngay cả trong cơ quan, nơi làm việc. Bởi vì chỉ một người nhiễm virus ho, hắt hơi, nói, cười, la hét…, sẽ khiến virus phát tán khắp nơi ngoài môi trường. Môi trường không có ánh nắng mặt trời, kín và lạnh là môi trường “béo bở” của virus giúp virus tồn tại lâu hơn.
Hiện tại, rất nhiều cơ quan công sở người làm việc không đeo khẩu trang, vẫn có thói quen túm năm, tụm ba nói chuyện, PGS Nhung cho rằng điều này tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm rất lớn bởi môi trường phòng làm việc khép kín, điều hòa hợp với virus phát tán nhiều hơn.
Cần đeo khẩu trang nơi làm việc không |
Ông cho rằng tất cả các cơ quan công sở cần thực hiện đeo khẩu trang ngay tại nơi làm việc bởi vì bất cứ ai cũng có thể là F0.
Ngoài ra, PGS Nhung cho biết mọi người đi làm vẫn nên có 1 thói quen rửa tay, sát khuẩn tay. Nên có 1 lọ sát khuẩn nhỏ ở trong túi xách và sát khuẩn thường xuyên. Lau chùi bàn làm việc, các dụng cụ xung quanh bàn làm việc.
Thang máy đi lại cũng hết sức chú ý, PGS Nhung cho biết hiện nay thang máy được đánh giá là môi trường lây nhiễm cao bởi vì khoảng cách tiếp xúc gần, không gian chật hẹp, lưu thông không khí ít. Việc đi lại hết sức cẩn trọng, bỏ thói quen sờ vào các vật dụng ở cầu thang, thang máy.
Nguy cơ cao
Theo ông Khổng Minh Tuấn – Phó giám đốc CDC Hà Nội hiện chùm ca bệnh này vẫn chưa xác định được nguồn lây và vẫn đang là ổ dịch nguy hiểm nhất tại Hà Nội. Việc xuất hiện các ca nhỏ lẻ trong cộng đồng như Hà Nội hiện tại sẽ khó cho công tác truy vết và khoanh vùng. Nguy cơ ở Hà Nội vẫn rất lớn.
Ông Tuấn cũng cho biết hiện mới chỉ có giả thiết đó là dịch tễ từ các tỉnh khác đến Hà Nội.
Khu chung cư Times City cũng là khu đông dân cư có người nước ngoài sinh sống vì vậy đây vẫn là ẩn số, nơi làm việc là tòa nhà T&T cũng là nơi nguy cơ rất cao. Đến thời điểm này virus đã xuất hiện ở nhiều nơi trong cộng đồng. Ông Tuấn cho rằng ở Hà Nội nguy cơ cao vì dân số đông nếu chỉ vài ổ dịch sẽ có rất nhiều F1 liên quan.
Ông Tuấn khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết. Mỗi người quyết tâm thực hiện 5K tốt, thần tốc và quyết liệt cách ly, xét nghiệm, ổ dịch sẽ được kiểm soát.
Khánh Chi