Chủ tịch Bảo Việt trải lòng sau vụ khởi tố cựu Tổng giám đốc
Ba ngày trước thềm Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2014 diễn ra, Tập đoàn Bảo Việt (mã CK: BVH) đón nhận thông tin “sốc” khi nguyên Tổng giám đốc ông Trần Trọng Phúc và một số cán bộ kế toán Công ty Bảo hiểm Bảo Việt bị cơ quan điều tra – Bộ Công an khởi tố về tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vụ việc lùm xùm xảy ra ngay trước ĐHCĐ đã gây nhiều chú ý dư luận cũng như cổ đông.
Tập đoàn Bảo Việt trần tình về vụ nguyên Tổng giám đốc tập đoàn bị khởi tố điều tra |
Trả lời những thắc mắc của cổ đông xoay quanh vụ việc này, tại ĐHCĐ diễn ra sáng 24/4 ông Lê Quang Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt thừa nhận, vụ việc nguyên Tổng giám đốc tập đoàn này bị khởi tố điều tra ít nhiều đã ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của cổ đông, khách hàng. Thậm chí, ngay trong nội bộ cán bộ công nhân viên tập đoàn cũng có sự băn khoăn.
“Tôi cho rằng ảnh hưởng này rất day dứt. Ngay sau xảy ra vụ việc chúng tôi đã lập tức họp bàn để đưa ra giải pháp trước mắt, tạm thời và cả giải pháp căn cơ lâu dài để “lấp” lỗi hệ thống của tập đoàn” – ông Bình nói.
Giải pháp tạm thời mà vị Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt đề cập, là ngay lập tức chỉ đạo Bảo hiểm Bảo Việt rà soát toàn bộ chi hoa hồng đại lý đảm bảo đúng quy định của pháp luật, Bộ Tài chính về kinh doanh bảo hiểm. Rà soát lại kênh phân phối đại lý đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn, chuyên nghiệp, bài bản hơn.
“Trước áp lực cạnh tranh doanh thu lợi nhuận nên có những rủi ro mà có thể dẫn tới sai phạm. Hiện tượng ở Công ty Bảo Việt Bến Tre là phá rào, chi sai quy định. Tuy nhiên, vụ việc này xảy ra từ giai đoạn 2009-2011, nên từ năm 2012 đến nay chúng tôi đã kiểm tra, rà soát lại hệ thống chứ không phải bây giờ mới làm” – ông Bình nói thêm.
Các cổ đông của Bảo Việt biểu quyết thông qua chỉ tiêu kinh doanh năm 2014 |
Còn đối với việc điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của tập đoàn không thể thiếu người đầu tàu dẫn dắt, nên khi nguyên Tổng giám đốc Trần Trọng Phúc từ nhiệm, tập đoàn đã bổ nhiệm ngay ông Dương Đức Chuyển vào vị trí Tổng giám đốc thay thế ông Phúc từ cuối tháng 3/2014 đến nay.
Về giải pháp căn cơ, lâu dài, ông Bình nhấn mạnh, tập đoàn Bảo Việt phải thực hiện khẩn trương việc chuyển đổi mô hình của DNNN sang đó là quản lý từ kinh doanh phân tán hiện nay sang quản lý tập trung, tăng cường kiểm tra kiểm soát nội bộ. xác định tính tuân thủ, quy chế nội bộ.
Mã hóa toàn bộ khâu cấp đơn, phát hành thu phí, quản lý nhân sự… theo chuẩn công nghệ mới, thống nhất từ trụ sở chính tới các đại lý tại 63 tỉnh, thành.
Cùng với đó, tới đây tập đoàn sẽ hoàn thiện sản phẩm bảo hiểm theo hướng đơn giản hóa, phục vụ tối ưu cho khách hàng. Xây dựng kênh phân phối đại lý chuyên nghiệp và trung tâm dịch vụ khách hàng tại khu vực miền Bắc, sau đó sẽ mở rộng tại khu vực miền Trung và Nam.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về con số cụ thể về ảnh hưởng tài chính xung quanh vụ việc vừa xảy ra, lãnh đạo Bảo Việt cũng cho biết vụ việc liên quan đến ông Phúc đã xảy ra từ năm 2010 – 2011. Trong 2 năm đó, lợi nhuận của tập đoàn tương đối tốt. Về mức độ thiệt hại về mặt tài chính đối với Bảo Việt như thế nào, hiện tập đoàn chưa thể đưa ra kết luận do mọi việc đều đang trong quá trình điều tra.
Về phía đối tác chiến lược Sumitomo Life hiện đang nắm giữ 18% cổ phần tại Bảo Việt, lãnh đạo tập đoàn này cho hay, phía Sumitomo Life hoàn toàn nhất trí và đồng nhất với những giải pháp mà Bảo Việt đưa ra để cùng nhau khắc phục lỗi hệ thống.
Cũng trong ĐH cổ đông sang nay, lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt khẳng định, theo Luật các tổ chức tín dụng, một cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ, một tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ (trừ một số trường hợp đặc biệt), cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. “Theo đúng tinh thần này Bảo Việt sẽ giảm dần tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng Bảo Việt bằng cách không góp thêm vốn trong các đợt tăng vốn tới đây của Baovietbank”.
Tập đoàn Bảo Việt sẽ chỉ sở hữu tối đa 20% vốn tại Baovietbank |
Liên quan tới việc Baovietbank đang được một định chế tài chính “để mắt” tới, theo lãnh đạo tập đoàn này, đối với Bảo Việt việc mua bán – sáp nhập (M&A) rất quan trọng. Đây cũng là xu thế và được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích để lành mạnh hóa và giảm bớt số lượng ngân hàng. Tuy nhiên hiện Baovietbank vẫn chưa tìm được đối tác hợp nhất, sáp nhập phù hợp.
“Việc tìm đối tác thích hợp không đơn giản trong ngày một ngày hai, hiện chưa có quyết định nào nói ngân hàng sẽ có sáp nhập hay không” – vị này nói thêm.