Chia sẻ yêu thương từ Chợ Răng sún
Tại Bình Thuận, nhóm thiện nguyện Lan tỏa yêu thương đã tổ chức Chợ Răng sún vào định kỳ hằng tháng dành cho những trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại các huyện miền núi. Nhóm hoạt động trên tinh thần tự nguyện và đã mang lại cho trẻ em nhiều kiến thức bổ ích về chăm sóc răng miệng.
Chị Đặng Kim Oanh – nguyên Phó giám đốc Đài PT-TH Bình Thuận là người lên ý tưởng về mô hình Chợ Răng sún và tích cực hoạt hoạt động để duy trì phiên chợ này nhiều năm nay.
Theo chia sẻ của chị Oanh, bắt nguồn từ việc chị thường xuyên đi tới các địa bàn vùng cao, khó khăn trong tỉnh, thấy trẻ em nơi đây hầu như không có đồ chơi, ngại giao tiếp, nhiều trẻ bị răng sún do vệ sinh răng miệng kém... nên chị và các bạn của mình đã lên ý tưởng thành lập một mô hình "chợ 0 đồng" để hỗ trợ các em. Sau đó chị lấy tên mô hình này là Chợ Răng sún bởi vì khách hàng là trẻ em ở lứa tuổi thay răng.
Mọi hoạt động của Chợ Răng sún đều do các tình nguyện viên đóng góp kinh phí và công sức. Các thành viên đăng ký gian hàng sẽ bỏ tiền ra mua đồ và đứng ra tặng các bé. Hoạt động của hội chưa kêu gọi rộng rãi ra ngoài.
Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, vì thực hiện giãn cách xã hội nên Chợ Răng sún không thể hoạt động. Sang năm 2022, khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì phiên chợ đặc biệt lại được triển khai trở lại. Đặc biệt, một bữa tiệc dành cho các khách nhí mang tên “Bữa tiệc khách nhí” đã được tổ chức thành công tại thành phố Phan Thiết. Các khách mời là trẻ em bán vé số, nhặt ve chai. Trẻ được ăn tiệc và có bố mẹ đi cùng.
Khách mời đặc biệt đến Chợ Răng sún sẽ có cơ hội tham gia các nội dung như: vui chơi có thưởng, văn nghệ, đố vui về cách đánh răng đúng, tìm hiểu cách chống xâm hại tình dục ở trẻ em, liên hoan, chọn quà....
Chị Oanh cho biết, mỗi phiên chợ có từ 10 đến 12 gian hàng khác nhau với chi phí khoảng gần 100 triệu đồng và tặng quà cho khoảng 300 em nhỏ. Các thành viên mỗi người chịu trách nhiệm một sạp hàng. Ví dụ như bản thân chị Oanh phụ trách quầy hàng bàn chải đánh răng, kem đánh răng, dụng cụ vệ sinh răng miệng. Với các thành viên khác, người nào đăng ký quầy sữa sẽ tự mua sữa mang đến, tương tự với các quầy dép, quầy bánh ngọt, quầy thú nhồi bông, áo rét, khăn tắm, hoa quả…
"Nhờ được các thành viên trong nhóm chia sẻ về kiến thức vệ sinh răng miệng, phòng chống xâm hại trẻ em mà nhiều trẻ sau khi tới phiên chợ đã thu được bài học bổ ích. Có những cháu bé mới chỉ 5, 6 tuổi nhưng đã biết về những bộ phận của cơ thể tuyệt đối không cho ai động chạm, hiểu về các phần trọng yếu trên cơ thể, cách để tự bảo vệ mình", chị Oanh chia sẻ.
Chị Oanh cho biết, các phiên chợ đều tổ chức ở các xã nghèo trong tỉnh Bình Thuận. Trong năm 2022, phiên chợ mới tổ chức ở các huyện phía bắc Bình Thuận nên ra Tết phiên chợ sẽ tổ chức ở các huyện phía nam của tỉnh.
Sau nhiều lần tổ chức Chợ Răng sún, chị Oanh không thể quên những ánh mắt trẻ thơ khi đứng trước quầy hàng miễn phí. Chị Oanh kể: "Có đứa trẻ nhận phần bánh mì tươi từ quầy, ánh mắt tràn đầy hạnh phúc vì từ bé mới chỉ thấy bánh này trên ti vi chứ chưa được ăn bao giờ. Có đứa trẻ đến quầy dép, khi các tình nguyện viên mời trẻ ngồi xuống ghế để đi thử dép thì em bẽn lẽn nói nhỏ “Con có thể mang dép về nhà cho mẹ con xem trước rồi mới đi vào chân được không?”. Có những bé trai đến quầy thú nhồi bông, dây nơ buộc tóc vì muốn xin mang về để tặng chị gái, em gái ở nhà…
Nhiều trẻ đi những đôi dép không thể cũ hơn và vá víu chằng chịt, thậm chí có em còn đi chân không đến chợ. Khi được nhận những đôi dép mới, các em vô cùng hạnh phúc.
Những đôi giầy dép tại Chợ Răng sún đều là loại vừa đẹp vừa bền được các thành viên trong nhóm đặt mua để cho gian hàng thêm phong phú. Đây là vùng núi, đường sá không tốt, các em đi học xa và trời khá lạnh nên giầy dép là một món quà cần thiết".
Mô hình Chợ Răng sún hiện đang nhận được nhiều chia sẻ từ các hội nhóm thiện nguyện khác trên cả nước. Trong tương lai, chị Oanh hi vọng Chợ Răng sún sẽ đến được với nhiều địa phương, giúp được nhiều trẻ em miền núi hơn.
Phương Thuý