Lai Châu: Chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến và mô hình hay về phòng chống mua bán người
Ngày 19/12, dự án Em Vui phối hợp với sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu tổ chức hội nghị “Chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường phối hợp để phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số”.
Theo ban tổ chức, hội nghị nhằm phối hợp, trao đổi cùng với cán bộ các cấp và cùng chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình hay trong việc truyền thông hiệu quả liên quan đến vấn đề phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người.
Đồng thời thúc đẩy sự tham gia, hành động của chính quyền các cấp trong việc chung tay hành động chấm dứt tình trạng tảo hôn và phòng chống mua bán người cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số, trong đó, nhấn mạnh vai trò và sự tham gia hành động của các trưởng thôn, bản. Là người kết nối và có sự gắn kết, gần gũi với người dân, trưởng thôn, bản giữ vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cho các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số nói riêng và mọi người dân, cộng đồng nói chung.
Với mỗi chủ đề về phòng chống tảo hôn hay phòng chống mua bán người, ban quản lý dự án Em Vui và đại biểu tham gia hội nghị cùng thảo luận về các khía cạnh khác nhau như về thực trạng, yếu tố làm gia tăng tình trạng, khung luật pháp và chính sách, chia sẻ cách thức truyền thông hiệu quả, những hạn chế và khó khăn…
Kết thúc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thủy – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu tin tưởng rằng với những trao đổi, chia sẻ trong hội nghị ngày được thực hiện đồng bộ thì chắc chắn công tác phòng chống tảo hôn đặc biệt trong phòng chống mua bán người sẽ đạt kết quả.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong 5 tháng đầu năm 2022 với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng hơn.
Các đối tượng triệt để lợi dụng mạng xã hội (qua Zalo, Facebook); cấu kết với đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín nhằm dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân trong nước để đưa ra nước ngoài.
Dự án Em Vui – “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” được triển khai thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) & tổ chức Plan International Việt Nam và được Liên minh châu Âu và tổ chức Plan International Bỉ đồng tài trợ. |
N. Huyền