Cháu tôi bị lừa bán sang Trung Quốc, làm cách nào để trở về an toàn?
Anh Nguyễn Văn Hải (ở Đồng Bành, Lạng Sơn) hỏi: Cháu tôi bị người quen từng lấy chồng ở Trung Quốc dụ dỗ sẽ giới thiệu cho cháu tôi lấy chồng có điều kiện khá giả ở bên đó. Gia đình tôi tin tưởng nên đã đồng ý để cháu đi cùng người phụ nữ này. Thời gian đầu, con thường xuyên liên lạc về gia đình và cho biết vẫn đang ở nhà người quen này để học tiếng và làm quen với môi trường sống ở đây.
Thế nhưng sau 3 tháng con mất liên lạc với gia đình. Số điện thoại của người quen cũng “bặt vô âm tín”. Gia đình tôi lo lắng nhưng không biết làm cách nào. Một hôm, con gọi điện thoại từ số lạ mếu máo khóc nói con đã bị người quen bán vào cơ sở massage, họ nói rằng “ở đó có nhiều cơ hội tìm chồng”.
Trong trường hợp này thì cháu tôi có phải đã bị người quen lừa bán vào cơ sở massage hay không? Nếu cháu tôi muốn trở về thì phải làm gì?.
Về trường hợp này, luật sư Vũ Văn Mạnh, Công ty Luật Hiệp Thành (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung công ước về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp quốc năm 2000:
“Mua bán người” có nghĩa là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ít nhất, việc bóc lột mại dâm những người khác hay những hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay phục vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể”.
Tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, đã xác định hành vi mua bán người như sau: “Mua bán người là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác để trao đổi người (từ đủ 16 tuổi trở lên) như một loại hàng hóa, cụ thể là một trong các hành vi sau đây:
Bán người cho người khác, không phụ thuộc vào mục đích của người mua; mua người để bán lại cho người khác, không phân biệt bán lại cho ai và mục đích của người mua sau này như thế nào; dùng người là tài sản để trao đổi, thanh toán; mua người để bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích phát luật khác; người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán người được hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người.
Tội mua bán người được hiểu là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý, gây tổn hại hoặc đe dọa đến quyền bất khả xâm phạm, tự do thân thể, nhân phẩm của con người.
Theo Điều 3 Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định các hành vi bị nghiêm cấm: Mua bán người theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật hình sự; chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này; cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 điều này; môi giới để người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi quy định tại điều này; lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật; cản trở việc tố giác, tố cáo, khai báo và xử lý hành vi quy định tại điều này; kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân; tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân; giả mạo là nạn nhân; hành vi khác vi phạm các quy định của Luật này.
Do đó việc buôn bán người là hành vi vi phạm điều cấm theo quy định pháp luật.
Đối với câu hỏi làm thế nào để đưa cháu trở về an toàn, theo luật sư Mạnh: Theo Điều 19 Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định về việc tố giác, tin báo, tố cáo hành vi vi phạm như sau:
Cá nhân có nghĩa vụ tố giác, tố cáo hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này với cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.
Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác, tin báo, tố cáo về hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Theo đó, người nhà có tố giác hành vi nêu trên tại cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.
Bên cạnh đó, hiện tại, người cháu đã là nạn nhân bị người quen bán vào cơ sở massage đang phải làm việc, vậy người cháu cần tìm cách liên hệ với Đại Sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để được bảo hộ công dân hoặc Cơ quan Nhà nước, Công an nước mà người cháu đang ở.