Cảnh báo rủi ro từ "mồi" lãi suất "khủng" của trái phiếu

Một số doanh nghiệp cam kết lãi suất phát hành trái phiếu lên tới 12,5-13%/năm nhưng không có tài sản thế chấp hoặc chỉ đảm bảo bằng cổ phiếu chưa niêm yết.

Sau 3 tháng đầu năm trầm lắng với quy định mới về phát hành trái phiếu riêng lẻ, các doanh nghiệp trong nước đang bắt đầu tăng tốc việc huy động vốn qua kênh này. 

Ai phát hành trái phiếu nhiều nhất? 

Trong quý I, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ước đạt 37.400 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ 2020, theo số liệu của SSI Research. Nhưng đến tháng 4, theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 29.600 tỷ đồng trái phiếu trong nước. Con số này trong tháng 5 tiếp tục được duy trì ở mức cao 28.900 tỷ đồng.

Trong đó, bất động sản vẫn là lĩnh vực áp đảo trên thị trường trái phiếu. Thống kê của SSI và VBMA cho thấy nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng hơn 39.000 tỷ đồng trái phiếu. Xếp thứ hai là ngành ngân hàng với hơn 34.900 tỷ đồng.

Cảnh báo rủi ro từ mồi lãi suất khủng của trái phiếu - 1

Nguồn: SSI Research, VBMA (Biểu đồ: Việt Đức).

Nhóm phân tích của SSI nhận định trong bối cảnh ngành ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp địa ốc có nhu cầu lớn huy động vốn qua kênh trái phiếu, đặc biệt là các doanh nghiệp hạn chế về tài sản đảm bảo để vay vốn ngân hàng. 

Theo VBMA, lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản dao động chủ yếu trong khoảng 9,5-11%/năm, thuộc nhóm cao nhất thị trường. Tuy nhiên, đơn vị này khuyến cáo nhà đầu tư "hết sức thận trọng" với trái phiếu bất động sản dù lãi suất hấp dẫn hơn các nhóm ngành khác. Lý do là thị trường bất động sản đang khá "nóng" trong khi nhiều doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc chỉ thế chấp bằng cổ phiếu.

Đứng thứ hai là nhóm ngân hàng với hơn 34.900 tỷ đồng trái phiếu phát hành trong 5 tháng đầu năm. Trong quý I, các ngân hàng chỉ huy động hơn 1.200 tỷ đồng trái phiếu nhưng tăng tốc nhanh chóng vào tháng 4-5. Trái ngược với doanh nghiệp bất động sản, trái phiếu của các ngân hàng thuộc nhóm có lãi suất thấp nhất thị trường với mức phổ biến 3,7-4,2%/năm, phần lớn có kỳ hạn 2-3 năm.

Lãi suất gấp 2-3 lần lãi suất tiết kiệm ngân hàng

Sau 5 tháng đầu năm, thống kê của KBSV cho thấy Phát Đạt là doanh nghiệp trả lãi suất cao nhất, lên tới 13%/năm. Từ đầu năm đến nay, đại gia bất động sản này phát hành tổng cộng 680 tỷ đồng trái phiếu với tài sản đảm bảo là cổ phiếu PDR của doanh nghiệp đang nằm trong danh mục VN30.

Cảnh báo rủi ro từ mồi lãi suất khủng của trái phiếu - 2

Nguồn: MBS.

Một doanh nghiệp khác cũng trả lãi suất trái phiếu lên tới 13%/năm là Tiki vừa hoàn thành việc phát hành trong tháng 6. Sàn thương mại điện tử này phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 2 năm. Phần lớn trái chủ tham gia mua trái phiếu của Tiki là nhà đầu tư cá nhân. 

Trái phiếu của Tiki cũng được bảo đảm bằng tài sản là cổ phiếu của doanh nghiệp với mức định giá hơn 600.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, một chuyên gia chứng khoán cho rằng đây chỉ là mức giá được đơn vị tư vấn đưa ra trong khi sàn thương mại điện tử này chưa phải là công ty đại chúng, cổ phiếu chưa được giao dịch trên sàn nên rất khó để đánh giá liệu con số có hợp lý hay không. 

Trước thời điểm phát hành trái phiếu, Tiki liên tục thua lỗ. Năm 2017-2019, sàn thương mại điện tử này lần lượt lỗ ròng 282 tỷ đồng, 757 tỷ đồng và 1.765 tỷ đồng, theo báo cáo thường niên của cổ đông chiến lược VNG. Năm ngoái, Tiki giảm mức lỗ của 4 tỷ đồng.

Tương tự Tiki, một doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao là Công ty Cổ phần F88, đơn vị sở hữu chuỗi cầm đồ cùng tên. Từ đầu năm, F88 phát hành 5 đợt trái phiếu với lãi suất cao nhất lên tới 12,5%/năm cho kỳ hạn 18 tháng trong hai đợt huy động tổng khối lượng 250 tỷ đồng gần đây. 

Trái phiếu của F88 thậm chí còn không có tài sản đảm bảo. Trong bản báo cáo tóm tắt tình hình tài chính, chuỗi cầm đồ này công bố lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 44 tỷ đồng với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) 13%. Vốn chủ sở hữu của F88 đến cuối năm 2020 là 434 tỷ đồng, trong đó riêng dư nợ trái phiếu gấp gần 2 lần vốn chủ. 

Một trong những doanh nghiệp hiếm hoi khác phát hành trái phiếu với lãi suất từ 12%/năm là Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax, doanh nghiệp của ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy). Hệ thống trung tâm Anh ngữ này phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng sàn thương mại tại dự án bất động sản ở 164 Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) và cổ phiếu IBC của công ty mẹ Apax Holdings đang niêm yết trên sàn HSX. 

Đầu tư bất chấp chỉ vì ham lãi suất: Chuyên gia khuyến nghị

Để đầu tư vào kênh trái phiếu doanh nghiệp một cách an toàn, các chuyên gia nhấn mạnh nhà đầu tư cần cân nhắc nhiều yếu tố chứ không chỉ dựa vào lãi suất cam kết. 

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân muốn mua trái phiếu doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ về lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Các yếu tố nhà đầu tư cần quan tâm là tình hình tài chính, tỷ suất lợi nhuận, dòng tiền của doanh nghiệp, lịch sử trả trái tức đúng hạn hay không. 

Cảnh báo rủi ro từ mồi lãi suất khủng của trái phiếu - 3

Nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý về dòng tiền của mình để tránh phải bán trái phiếu trước khi đáo hạn, mất một phần lợi nhuận (Ảnh minh họa).

Thông thường, doanh nghiệp phát hành trái phiếu làm công cụ nợ để phục vụ mục đích phát triển các dự án cụ thể. Do đó, ông Phương lưu ý nhà đầu tư cá nhân cần đánh giá  phương án sử dụng vốn vay trái phiếu có khả thi, hợp lý hay không. "Doanh nghiệp huy động trái phiếu nhưng kế hoạch sử dụng vốn không cụ thể, mơ hồ có thể không dùng tiền đúng mục đích, dẫn đến thua lỗ, tạo ra rủi ro cho nhà đầu tư", ông chia sẻ.

Ngoài ra, chuyên gia chứng khoán này cũng khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân lưu tâm đến sự ổn định của hoạt động quản trị doanh nghiệp, đặc biệt chú ý với những công ty liên tục xáo trộn cơ cấu hội đồng quản trị, ban điều hành. Các trường hợp như vậy có nguy cơ sử dụng tiền huy động vào mục đích cá nhân riêng, gây rủi ro cho nhà đầu tư. 

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân nếu muốn tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên lựa chọn các công ty đã niêm yết. 

Doanh nghiệp niêm yết có thêm sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán và tình hình hoạt động được phản ánh qua giá cổ phiếu trên sàn. Do đó, đầu tư trái phiếu của những doanh nghiệp này sẽ an toàn hơn so với các công ty chưa niêm yết. 

Chuyên gia này cũng gợi ý nhà đầu tư cá nhân nên xem xét trái phiếu phát hành riêng lẻ được thế chấp bằng cổ phiếu niêm yết. Trong trường hợp xấu nhất cần phải xử lý tài sản nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cổ phiếu niêm yết trên sàn sẽ có thanh khoản tốt giúp nhà đầu tư dễ thu hồi vốn hơn nhiều so với bất động sản. 

"Nhà đầu tư cá nhân không nên mạo hiểm, chỉ mua trái phiếu doanh nghiệp vì lãi suất cao. Những doanh nghiệp không niêm yết phát hành trái phiếu lại không có tài sản đảm bảo sẽ rất rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân. Nguyên tắc trên thị trường tài chính là rủi ro cao đi kèm lợi nhuận cao nhưng không nên bất chấp để dẫn đến nguy cơ mất tiền", ông Minh cảnh báo.

Trong khi đó, ông Trương Hiền Phương cho rằng tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ quan trọng nhưng trong thực tế không nhà đầu tư nào mong muốn xảy ra sự cố để phải xử lý tài sản. Ông cho rằng tài sản đảm bảo là điều kiện giúp nhà đầu tư cá nhân thêm an tâm khi đầu tư trái phiếu nhưng yếu tố quyết định vẫn là việc tìm hiểu kỹ doanh nghiệp. 

"Kể cả ngân hàng cho vay cũng không muốn phải xử lý tài sản đảm bảo. Ai đầu tư cũng muốn thu hồi vốn một cách gọn gàng chứ không trông đợi phải đi thanh lý, kê biên tài sản. Nếu phải xử lý tài sản đảm bảo cho khoản phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cá nhân cũng rất khó để làm được mà phải trải qua một chuỗi khó khăn, thông qua sự hỗ trợ của đơn vị thẩm định giá, pháp lý", ông Phương nêu quan điểm. 

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, đưa ra lời khuyên nhà đầu tư cá nhân khi rót tiền vào kênh trái phiếu doanh nghiệp phải thẩm định được hoạt động kinh doanh, nhận diện các rủi ro của doanh nghiệp, tham khảo kỹ các điều khoản hợp đồng như cam kết mua lại trước hạn, xử lý tài sản đảm bảo. Nếu không đủ khả năng, nhà đầu tư cá nhân có thể tìm đến những tổ chức, chuyên gia tài chính chứng khoán thẩm định giúp. 

Đặc biệt, nhà đầu tư cũng cần lưu ý phân bổ cơ cấu tài sản khi rót tiền vào trái phiếu doanh nghiệp. Đây là kênh đầu tư trung dài hạn với kỳ hạn phổ biến trên thị trường 1-3 năm nên nhà đầu tư cá nhân cần tính toán kỹ về dòng tiền nhàn rỗi của mình, chấp nhận bị chôn vốn trong một khoảng thời gian.

Ông Trương Hiền Phương cũng đồng quan điểm về vấn đề này vì trong trường hợp bán trái phiếu doanh nghiệp trước thời điểm đáo hạn, nhà đầu tư có thể chịu thiệt thòi mất một phần lợi nhuận do người mua mặc cả. Hiện tại, chưa có sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ tập trung nên người bán không dễ nhanh chóng tìm được người mua và do đó không nắm lợi thế để đưa ra giá bán như mong muốn. 

Bất động sản bán trái phiếu mạnh nhất, lãi suất cao không đối thủ

Bất động sản bán trái phiếu mạnh nhất, lãi suất cao không đối thủ

Theo số liệu thống kê của Sở GDCK Hà Nội (HNX), thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã hạ nhiệt trong quý 1/2021 khi tổng lượng TPDN phát hành trong quý là 37,4 nghìn tỷ đồng, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Dantri.com.vn

TP.HCM: Vẫn còn tình trạng cây xăng đóng cửa, chờ giải thể

Tình hình kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM ổn định, không có tình trạng găm hàng, bán không đúng giá niêm yết. Tuy nhiên vẫn còn một số cửa hàng đang tạm ngưng hoạt động.

Ngành chăn nuôi và triển vọng khởi sắc sau 3 năm dịch bệnh

Bài toán chi phí đã luôn là gánh nặng đối với ngành chăn nuôi nước ta, đặc biệt là kể từ sau đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Vietlott được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott), vừa được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

Độc đắc Vietlott hơn 71 tỷ đồng đã 'nổ'

Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) thông báo vừa tìm ra 1 vé số trúng giải Jackpot 1 trị giá hơn 71 tỷ đồng.

Giá vàng nhẫn bất ngờ tăng mạnh

Giá vàng nhẫn trong nước hôm nay (23/3) bất ngờ tăng mạnh sau chuỗi ngày giảm sâu. Giá vàng trong nước hôm nay đi lên cùng chiều với giá vàng thế giới.

Nhiều ưu đãi hấp dẫn khi giao dịch thanh toán quốc tế tại SHB

Từ nay đến hết ngày 31/12/2023, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) dành nhiều ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp khi chuyển tiền quốc tế, thanh toán L/C...

Bưu điện sẽ thoái vốn dưới 5% ở LienVietPostBank

Kể từ ngày Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, phòng giao dịch bưu điện không được thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm.

Trung Quốc chỉ định 2 cửa khẩu được nhập lương thực từ Việt Nam

Cửa khẩu Đông Hưng và cửa khẩu Hữu Nghị Quan chính thức được Tổng cục Hải quan Trung Quốc nghiệm thu, trở thành địa điểm đủ điều kiện nhập khẩu lương thực.

Giá USD đồng loạt lao dốc

Sau khi Fed quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đồng USD quốc tế đã giảm đáng kể. Giá USD trong nước cũng được điều chỉnh giảm khá mạnh.

Hơn một tỷ cổ phiếu của 'ông lớn' xăng dầu vào diện cảnh báo

Hơn một tỷ cổ phiếu của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) vừa bị đưa vào diện cảnh báo do chưa giải trình rõ các khoản tiền hàng trăm tỷ đồng trong báo cáo tài chính năm 2022.