Cần phân bổ đều vốn cho Chương trình Giảm nghèo bền vững và Nông thôn mới
Tuy nhiên, theo ông Tống Thanh Bình, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, trong thời gian qua, việc thực hiện phân bổ nguồn vốn cho thấy cũng chưa thực sự phù hợp với tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 bố trí cho 2 chương trình: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới là 72.817 tỷ đồng, song năm 2016 mới bố trí trên 6.000 tỷ, năm 2017 bố trí 11.000 tỷ.
Giai đoạn 2018 - 2020 còn lại số vốn là rất lớn, trên 55.000 tỷ. Trung bình mỗi năm phân bổ là 18.400 tỷ, trong đó, số vốn dự kiến bố trí năm 2018 cho chương trình là 11.000 tỷ. Như vậy, số vốn của chương trình sẽ dồn rất lớn vào 2 năm cuối nhiệm kỳ. Bình quân trên 22.000 tỷ đồng/năm, gấp đôi năm 2018, sẽ xảy ra tình trạng dồn nguồn, ảnh hưởng đến việc phát huy hiệu quả nguồn vốn. Vì vậy, Đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, nâng số vốn dự kiến bố trí năm 2018 lên 15.000 tỉ đến 16.000 tỉ để đảm bảo hài hòa trong lộ trình phân bổ và thúc đẩy tối đa hiệu quả nguồn vốn.
Về dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia và dự án cấp điện cho các thôn bản chưa có điện. Dự án cấp điện nông thôn từ lưới được quốc gia được Bộ Công thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định 4295.
Tuy nhiên, theo kế hoạch phân bổ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020. Dự án chưa được bố trí vốn. Đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí vốn để các địa phương có cơ sở triển khai các công việc tiếp theo, đáp ứng kế hoạch hoàn thành và hoàn thành chương trình đã được Chính phủ phê duyệt.
“Qua đây, đề nghị Tập Đoàn điện lực và các bộ, ngành, cơ quan xem xét cấp bổ sung phần vốn còn thiếu trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoan 2016-2020 để các địa phương thực hiện hoàn thành đồng bộ dự án cấp điện cho các thôn bản chưa có điện trong thời gian tới, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân, đối tượng trực tiếp thụ hưởng dự án”.
Cũng theo ông Tống Thanh Bình, về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư, chỉ quy định dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu nhận quyền chuyển nhượng, dự án có yêu cầu chuyển mục đích. Quy định này không phân biệt về quy mô, tổng mức đầu tư của dự án, nên trong quá trình thực hiện
không phù hợp, vì hiện nay có rất nhiều dự án đầu tư kinh doanh nhỏ của tỉnh diện tích thuê đất chỉ vài trăm m2 và trên 1 nghìn m2. Tổng mức đầu tư không lớn, tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn phải thực hiện các thủ tục, hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 33 dẫn đến mất nhiều thời gian và chi phí cho các bước chuẩn bị đầu tư.
![]() |
Ông Tống Thanh Bình, ĐBQH tỉnh Lai Châu. |
Do vậy, đề nghị xem xét cho phép đối với các dự án có quy mô đầu tư kinh doanh nhỏ trên địa bàn các tỉnh miền núi có diện tích thuê đất dưới 1 ha, mức đầu tư dưới 20 tỉ đồng thì không cần quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban tỉnh, mà giao cho cơ quan đăng ký đầu tư Sở Kế hoạch - Đầu tư thẩm định cấp giấy đầu tư cho nhà đầu tư.
Đối với việc ban hành và thực hiện một số chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số. Thời gian qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhiều chính sách dân tộc đặc thù được ban hành đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, Đại biểu Tống Thanh Bình cho rằng trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách cho thấy các chính sách được ban hành nhiều, rất phù hợp với điều kiện thực tế và kỳ vọng của nhân dân, nhưng việc bố trí nguồn lực để thực hiện lại rất hạn chế, cá biệt có những chính sách từ khi ban hành có hiệu lực thi hành đến nay chưa được bố trí hoặc được bố trí rất ít nguồn lực để thực hiện. Cụ thể như Nghị định số 75 ngày 9 tháng 9 năm 2015 về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số 2015 - 2020.
Chính sách theo Quyết định số 2085 - 2086 ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác triển khai và thực hiện của các địa phương. Vì vậy, ông Bình đề nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương xem xét, sớm bố trí nguồn vốn để thực hiện theo lộ trình các chính sách đã đề ra. Đảm bảo chính sách được ban hành, thực hiện phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, củng cố và tạo niềm tin vững chắc của nhân dân các dân tộc đối với đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.