Cần nhân rộng những mô hình dạy nghề hiệu quả
Khó đạt được mục tiêu
Năm 2012, Đề án đào tạo nghề cho LĐNT hướng đến mục tiêu hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 500 nghìn LĐNT và đào tạo, bồi dưỡng cho 100 nghìn cán bộ công chức xã trong toàn quốc. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm, các địa phương chỉ mới đào tạo được 135.397 người (đạt 28,4% so với kế hoạch); bồi dưỡng 9.696 cán bộ công chức cấp xã (đạt 9,7% so với kế hoạch). Với kết quả này, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá rằng, hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đều không đạt, nên kế hoạch năm 2012 nhiều khả năng không thực hiện được. Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định ở đa số địa phương, khâu tổ chức tuyên truyền và hình thức tuyên truyền không sát thực tế nên cả chính quyền và người dân đều chưa hiểu rõ về đề án. Các cấp chính quyền không vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện đề án nên có sự lệch lạc trong đào tạo, không đi sát với điều kiện kinh tế-xã hội, điều kiện vùng miền của mỗi nơi. Hiệu quả sau học nghề của LĐNT bộc lộ nhiều yếu kém, chất lượng không đạt, không đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng và xã hội.
Riêng Quảng Nam, theo kế hoạch năm 2012 sẽ đào tạo cho 12.566 LĐNT, nhưng trong 6 tháng đầu năm các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh vẫn chưa dạy nghề cho LĐNT vì lý do kinh phí phân bổ chậm. Sáu tháng cuối năm là thời điểm mưa bão, lũ lụt thường xuyên diễn ra trên địa bàn tỉnh nên việc đào tạo nghề cho LĐNT khó hy vọng đạt được mục tiêu. Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, Quảng Nam đã đặt mục tiêu quá cao, trong khi nguồn kinh phí, cơ sở dạy nghề thì không tương xứng. Đây cũng là vấn đề của nhiều tỉnh khi đặt ra mục tiêu đào tạo nhưng chưa có những cơ sở chắc chắn để đạt được. Đặc biệt, LĐNT sau học nghề có tìm được việc làm phù hợp với nghề đã học hay không, hoặc có việc làm hay không cũng là câu hỏi cần được các địa phương xem lại. Chính vì thế, trong những tháng còn lại của năm 2012 cũng như sau này, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương không tổ chức dạy và học cho LĐNT khi không dự báo được nơi làm việc, mức thu nhập của việc làm có được sau khi học.
Sẻ chia kinh nghiệm
Hiện chỉ có một vài tỉnh, thành đào tạo đạt được trên 50% kế hoạch năm. Cá biệt như Bắc Kạn đào tạo nghề cho LĐNT trong 6 tháng đầu năm đạt 136,7% (vượt kế hoạch cả năm). Lý do là tỉnh này đặt kế hoạch đào tạo rất thấp (3.000 người), nhưng 6 tháng đã đào tạo được 4.101 người. Hậu Giang và Đồng Nai đều đặt kế hoạch cao nhưng đều đạt đến gần 73% kế hoạch đào tạo năm 2012. Với kết quả này, lãnh đạo của hai tỉnh đã chia sẻ những kinh nghiệm trong hội nghị giao ban toàn quốc.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hậu Giang nêu những cách làm hay của tỉnh, trong đó có nhiều ngành nghề phù hợp được dạy cho LĐNT, nhiều mô hình hay được nhân rộng khiến việc đào tạo nghề đạt hiệu quả khả quan. Đại diện tỉnh Hậu Giang cho biết: “Trong khi thực hiện đề án, vai trò của các cơ sở tạo việc làm sau dạy nghề rất quan trọng, vì đó là đầu ra cho LĐNT sau học nghề, có việc làm mới có hiệu quả được. Hậu Giang là tỉnh có lợi thế nông nghiệp nên việc đào tạo nghề cho LĐNT gặp thuận lợi. Nghề nào có dự báo về nhu cầu việc làm thì các cơ sở mới được đào tạo, không dự báo đầu ra nhất quyết không đào tạo”.
Tỉnh Hậu Giang đã có cách làm hay khiến khâu vận hành, thực hiện đề án rất thuận lợi. Sở LĐ-TB&XH của tỉnh này đã tham mưu UBND tỉnh giao hẳn việc đào tạo nghề nông nghiệp cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vì các trung tâm đào tạo của ngành nông nghiệp có chuyên môn sâu, đào tạo sát thực tế hơn. Các cơ sở dạy nghề của sở LĐ-TB&XH chỉ lo đào tạo nghề phi nông nghiệp, nhưng vai trò quản lý chung thì Sở LĐ-B&XH tỉnh Hậu Giang vẫn là chủ chốt. Ở Hậu Giang, LĐNT xem học nghề là việc quan trọng, người học nghề chủ động “hùn” tiền hỗ trợ từ đề án để xây dựng mô hình, vừa học vừa hành. Các trung tâm đào tạo liên kết nhận hàng cho học viên gia công nên học viên yên tâm học nghề.
Với Đồng Nai, ban chỉ đạo thực hiện đề án của tỉnh luôn xác định đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng, từng huyện trong tỉnh. Xác định các ngành công nghiệp, du lịch, thương mại là thế mạnh kinh tế của Đồng Nai nên LĐNT được đào tạo các nghề liên quan đến các ngành này, nhờ đó có thể giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động trong tỉnh. Ban chỉ đạo thực hiện đề án tỉnh Đồng Nai có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đoàn thể và cơ quan truyền thông nên thông tin đến với LĐNT một cách đầy đủ, chi tiết nhất. Đồng Nai còn phát hành sách tuyên truyền bỏ túi, đĩa CD tuyên truyền về đào tạo nghề cho LĐNT về từng địa phương, từ đó thông tin đến với người dân nhanh và rộng rãi. Phòng LĐ-TB&XH từng huyện của Đồng Nai phối hợp với các đoàn thể, địa phương về tận thôn, ấp để chiêu sinh, phổ biến các chế độ, chính sách, thông tin ngành nghề và cơ hội việc làm để người dân tự chọn nghề phù hợp với điều kiện bản thân. Cách làm sát thực tế này của Đồng Nai đã giúp tỉnh thực hiện tốt và hiệu quả đề án, tạo điều kiện cho nhiều LĐNT có cơ hội học nghề và có việc làm ổn định.