Cần giảm bớt phí vào viện dưỡng lão tư nhân
Tham gia Chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề "Làm gì để chủ động ứng phó với xã hội già hoá dân số?" do Báo Điện tử Sức khỏe & Đời sống phối hợp với Tổng cục Dân số - Bộ Y tế tổ chức chiều 15/12, GS. Nguyễn Đình Cử chia sẻ một số quan điểm cá nhân về các mô hình chăm sóc người cao tuổi.
Là người có hàng chục năm gắn bó với công tác nghiên cứu dân số và đi thực tế tại nhiều địa phương, GS. Nguyễn Đình Cử cho biết: “Hiện nay có rất nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi, như chăm sóc tại nhà, chăm sóc tại cộng đồng, chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội… Mô hình nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Theo tôi, mô hình nào huy động được sự đóng góp của nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp, gia đình và bản thân người cao tuổi, mô hình đó sẽ thành công”.
Một trong những mô hình gây ấn tượng lớn nhất đối với GS. Nguyễn Đình Cử là Trung tâm Bảo trợ Xã hội ở Đà Nẵng. “Trước khi đi, tôi cứ băn khoăn, với sự hỗ trợ ít ỏi của nhà nước thì làm sao các cụ có một cuộc sống chất lượng? Hôm tôi đến thăm là một ngày Chủ Nhật, tôi thấy nhiều xe của các mạnh thường quân chở đến trung tâm lương thực, thực phẩm để hỗ trợ các cụ. Tôi lại thấy có những chuồng gà nhiều trứng, những vườn rau xanh tốt. Hỏi ra mới biết doanh nghiệp và cộng đồng địa phương đã hỗ trợ gà giống, thức ăn, hạt giống để các cụ nuôi gà và trồng rau. Với sự chung tay như vậy, đời sống của người cao tuổi trong trung tâm được đảm bảo. Và tôi nhận thấy không khí trong viện rất vui, ấm áp tình người”, ông Cử kể.
Trên thực tế, khá nhiều người có suy nghĩ khi đến tuổi già sẽ vào các viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi để sống vui vẻ những ngày cuối đời; nhiều người cho rằng đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là văn minh. Thế nhưng cũng có không ít người cho rằng đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu, là bỏ rơi cha mẹ.
Bàn luận về câu chuyện này, ông Cử phân tích: “Ông cha ta nói “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, Việt Nam có khoảng 27 triệu gia đình. Hơn 27 triệu gia đình là 27 triệu hoàn cảnh khác nhau nên không thể có chỉ có 1 khuôn mẫu tổ chức cuộc sống, nơi ở cho mọi gia đình, mọi người cao tuổi. Quan điểm của tôi là ủng hộ sự đa dạng hóa, có nhiều lựa chọn cho việc tổ chức nơi ở cho người cao tuổi”.
“Tôi không nghĩ đưa bố mẹ già vào viện dưỡng lão là văn minh hay bất hiếu mà đó chỉ là sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Nhiều gia đình trẻ, nuôi con nhỏ, vợ chồng đi làm từ sáng cho đến tối (trong kinh tế thị trường, đôi khi đòi hỏi làm việc nhiều hơn 8 giờ vàng ngọc). Nếu để bố mẹ già ở nhà, nhất là khi chỉ có một cụ, không người giao tiếp, ốm đau đột xuất không ai xử lý... liệu có là có hiếu? Trong hoàn cảnh như vậy, đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão, có bạn tâm sự, ăn uống theo khoa học, có các hoạt động tập thể, ốm đau có cán bộ y tế chăm sóc, cuối tuần hoặc dịp lễ tết, con cháu lại đón các cụ về sum họp gia đình… Như vậy, phương án nào có hiếu hơn? Theo tôi, hiếu hay không ở quan hệ, ở cách đối xử chứ không phải ở căn phòng trong gia đình hay trong phòng trong Viện dưỡng lão”, ông Cử bày tỏ quan điểm.
Trong suy nghĩ của nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, hiện nay rào cản đến viện dưỡng lão không chỉ là quan niệm cho rằng "đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu", mà còn là phí vào viện dưỡng lão rất cao, không phù hợp với đại bộ phận người cao tuổi.
“Tôi cũng có đi thăm một số trung tâm dưỡng lão tư nhân, chất lượng cuộc sống của người cao tuổi ở đây rất ổn. Nhưng điều ám ảnh đối với tôi là phí vào viện rất cao. Câu hỏi đặt ra là Nhà nước cần làm gì để giảm bớt phí vào viện dưỡng lão tư nhân? Nên chăng Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng viện dưỡng lão, giảm phí đề nhiều người cao tuổi có thể thực hiên được sự lựa chọn của mình”, ông Cử khuyến nghị.
Lam Anh