Cần đưa bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường vào các hoạt động trải nghiệm
Những ngày qua, cư dân mạng bức xúc, đau xót trước một clip ghi lại cảnh một nữ sinh Hải Phòng bị nhóm bạn đánh hội đồng và sỉ nhục bạn thậm tệ chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ trên mạng xã hội.
Rồi tại Đắk Lắk, chiều 3/3 xuất hiện clip ghi lại cảnh một học sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng, được cho là xảy ra tại khu nhà vệ sinh của trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự đăng tải trên facebook. Nguyên nhân chỉ mâu thuẫn nhỏ liên quan đến vé xe đạp.
Đã đến lúc chúng ta cần phải xem lại những giải pháp đưa ra đã giải quyết đến tận gốc của vấn đề bạo lực học đường, trong đó gia đình, nhà trường phải cùng vào cuộc.
Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối cần phải loại trừ tận gốc. |
Không còn cách nào khác, ngăn chặn bạo lực học đường là việc tất yếu phải làm vì bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể trở thành nạn nhân của nó ở mọi lứa tuổi, mọi cấp học.
Theo cô giáo Đỗ Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Minh Trí (Móng Cái, Quảng Ninh) thì hiện nay những vấn đề biến động của xã hội liên tục thay đổi, sự phát triển của Internet, mạng xã hội truyền tải nhiều sự việc bạo lực trong xã hội cũng góp phần tạo ra nguyên nhân dẫn đến hành vi xấu này của trẻ.
Có thể nói việc giải quyết tình trạng bạo lực học đường không phải là việc riêng của nhà trường hay mỗi gia đình, mà cần có sự nhất quán trong phương pháp dạy dỗ, quan tâm, chăm sóc phát triển nhân cách cho trẻ.
Gia đình, nhà trường và xã hội cần phải quan tâm, tạo điều kiện hình thành cho trẻ kỹ năng nhận biết, phân tích, đánh giá các hành vi, biểu hiện thái độ của những người xung quanh. Trẻ sẽ biết phân định đâu là đúng – sai, tốt – xấu.
Ngoài ra, các trường cũng cần chú trọng việc dạy cho học sinh bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường thông qua các hoạt động trải nghiệm, các trò chơi trong giờ học để trẻ nhận biết bạo lực, lựa chọn học hỏi hành vi tốt, phù hợp với chuẩn mực xã hội, tránh được hành vi xấu không được xã hội chấp nhận.
Hoàng Thanh