Cần biện pháp ngăn chặn lập công ty trá hình để cho vay nặng lãi
Cơ quan chức năng cần tăng cường lực lượng để triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi, kể cả các đường dây cho vay nặng lãi trên không gian mạng để công tác đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này đạt được hiệu quả ...
Mới đây, Công an quận Hà Đông, Hà Nội đã khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Bùi Văn Hiếu (SN 1995, ở phường Dương Nội, Hà Đông) về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Nguyễn Văn Ninh (SN 1996, ở Phúc Thọ, Hà Nội) về tội Cố ý gây thương tích và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Phùng Ngọc Thành (SN 2000, ở Phúc Thọ, Hà Nội), Bùi Tùng Lâm (SN 2001; ở Kim Bôi, Hòa Bình) và Hoàng Đức Thái (SN 2001; ở Đan Phượng, Hà Nội) về tội Cố ý gây thương tích.
Nhóm đối tượng bị cơ quan công an bắt. |
Theo Công an quận Hà Đông, trước đó, ngày 23/4, Công an phường Dương Nội nhận được tin báo về vụ chém người xảy ra tại khu vực chợ Đình. Bị hại là anh H. (SN 1988; trú tại quận Hà Đông), bị một số đối tượng dùng dao chém gây thương tích.
Mặc dù phía bị hại không chủ động cung cấp hết nguồn cơn sự việc, nhưng quá trình điều tra, cơ quan công an xác định nguyên nhân xảy ra vụ chém người này là do mâu thuẫn trong việc vay nợ tiền. Các đối tượng gây án cũng là ổ nhóm có biểu hiện hoạt động kinh doanh tín dụng, vốn đang bị Cơ quan điều tra Công an quận Hà Đông xác lập chuyên án đấu tranh.
Kết quả điều tra thể hiện, khoảng đầu năm 2018, Bùi Văn Hiếu kinh doanh tài chính dưới hình thức cho vay lãi ngày và bốc "bát họ". Các khách vay trực tiếp thỏa thuận với Hiếu để vay lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày; vay trong thời gian từ 50 ngày đến 6 tháng thì chịu mức lãi suất từ 110 đến 183%/năm.
Để thực hiện việc kinh doanh, Hiếu thuê Ninh từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng (tùy theo doanh thu), có nhiệm vụ đi thu tiền lãi và thẩm định thông tin khách cần vay tiền.
Quá trình đi thu tiền đến tháng 4/2021, Ninh thuê thêm Thành, trả lương 4 triệu đồng/tháng, làm nhân viên thu tiền. Đến đầu tháng 4/2022, Lâm và Thái đến gặp Ninh và xin cho ở nhờ.
Bên cạnh đó, trong thời gian từ tháng 3/2018 đến tháng 6/2020, chị A. (SN 1991) cùng chồng là anh H. vay của Hiếu tổng số tiền 200 triệu đồng, với lãi suất 3.000 đồng/triệu đồng/ngày.
Ngày 23/4, Thành, Lâm và Thái đến đòi nợ lãi ngày của chị A. Quá trình thu tiền, Thành xảy ra cãi nhau và bị anh H. đấm trúng mặt. Thành quay về, kể lại sự việc cho Ninh thì được Ninh chỉ đạo đi cùng với Thái, Lâm tìm anh H. để "dằn mặt".
Sau đó, khi điều khiển xe máy đến khu vực chợ Đình (phường Dương Nội), vừa trông thấy anh H., Thành và Thái cầm dao lao vào chém trọng thương "con nợ" rồi nhảy lên xe của Lâm bỏ chạy.
Vào cuộc điều tra, Công an quận Hà Đông đã làm rõ hành vi, động cơ phạm tội của các đối tượng liên quan; đồng thời thu giữ nhiều giấy vay tiền, 2 quyển số ghi chép khách vay nợ, cùng nhiều tài liệu… Sơ bộ, cơ quan công an xác định trong thời gian từ đầu năm 2018 đến năm 2022, nhóm của Hiếu đã cho nhiều khách vay với tổng số tiền quay vòng khoảng 10 tỷ đồng.
Luật sư Diệp Năng Bình trao đổi với PV Infonet. |
Trao đổi với PV Infonet với PV Infonet về vụ án nêu trên, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luật cho biết: “Vay lãi nặng hay tín dụng đen đang là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi những hậu quả của nó và những hành vi vi phạm pháp luật kéo theo.
Thực trạng này diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Hậu quả là nhiều người bị hành hung, đe doạ, khủng bố tinh thần, bỏ đi khỏi địa phương…Tình trạng đòi nợ thuê, hành hung con nợ cũng gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự ở các địa phương.
Nạn nhân của vay lãi nặng không chỉ có dân làm ăn chân chính bị kẹt vốn mà còn có cả người nghiện ma tuý, đối tượng mê cờ bạc, những người ít hiểu biết, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng lại thích đua đòi, bị mụ mị trước những lời quảng cáo hấp dẫn và những mánh khoé dẫn dụ của đối tượng cho vay lãi nặng.
Có trường hợp lâm vào cảnh nợ nần, phải bán nhà, bán đất để trả nợ chỉ vì trước đó “lỡ” vay lãi nặng để xây nhà, sắm xe, rồi lãi chồng lãi, không còn khả năng chi trả, bị đe doạ, hành hung, bị buộc phải bán đi số tài sản cuối cùng để trả nợ, thực chất là “cấn trừ nợ”.
Có những người không hề vay nợ nhưng phải gánh nợ do con cái vay tiền mua ma tuý, vay tiền đánh bạc. Đối tượng cho vay lãi nặng rất biết cách đánh vào tâm lý ăn thua của con bạc đang đến hồi say máu sát phạt cũng như dẫn dụ người nghiện đang cần ma tuý đến mức bất chấp hậu quả.
Chúng cho vay tiền, buộc cung cấp địa chỉ nhà ở. Sau đó, đến nhà hành hung, đập phá tài sản, buộc cha mẹ, người thân trả nợ thay. Đã có trường hợp bỏ trốn vì con cái gây nợ. Cũng đã có trường hợp tự tử vì bức bách nợ nần…”.
Ngoài ra, luật sư Bình cũng chia sẻ: “Thông thường, vay lãi nặng thì không cần thế chấp nhưng ít có con nợ nào dám quỵt nợ vì đối tượng cho vay lãi nặng có liên quan đến côn đồ, đòi nợ thuê. Chúng thường thuê những đối tượng nghiện ma tuý, côn đồ để thu nợ.
Năm 2019, TAND Tối cao có hướng dẫn một số vướng mắc trên nhưng lại không chỉ rõ trường hợp nào bị xử lý hình sự vì cho vay nặng lãi. Do đó, nhiều đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi vẫn trốn tránh và không dễ xử lý.
Đến nay, Nghị quyết 01/2021 đã quy định cụ thể những vấn đề trên. Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 201 Bộ luật Hình sự và xét xử các vụ án về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, có hiệu lực từ ngày 24/12/2021.
Theo Nghị quyết 01/2021 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, lãi suất vay không quá 20%/năm, tức là không quá 1,67%/tháng, nên nếu ai cho vay mà mức lãi suất vượt quá 5 lần của mức 1,67%/tháng là cho vay nặng lãi. Trước Nghị quyết 01, chưa có quy định thế nào là thu lợi bất chính và không có hướng dẫn phải sung công quỹ hay trả về đương sự số tiền gốc cũng như tiền lời bất chính.
Cụ thể, Nghị quyết quy định, trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30 triệu đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản...) sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng (nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm), bên cạnh tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Còn người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, nhưng vì nguyên nhân ngoài ý muốn mà người cho vay chưa thu lợi bất chính hoặc đã thu lợi bất chính dưới 30 triệu đồng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà họ nhằm đạt được.
Cũng theo Nghị quyết này, người vay nặng lãi sẽ được tòa án triệu tập với tư cách "người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan", không phải bị hại. Họ chỉ được trả lại phần tiền người cho vay đã thu lợi bất chính, các khoản khác gồm tiền gốc và lãi cao nhất theo luật (bằng 20%/năm) được sung công.
Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 là một tội danh độc lập, được quy định trong chương "Các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế" (Chương XVIII – Mục 2 BLHS năm 2015). Quy định này ra đời nhằm kịp thời đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh xã hội đồng thời phù hợp với các quy định mới của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Nhưng trên thực tế tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” vẫn chưa được áp dụng nhiều để xử lý các đối tượng phạm tội và vẫn còn những vướng mắc nhất định của các cơ quan tiến hành tố tụng trong áp dụng pháp luật, dẫn đến hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm chưa cao.
Chính vì vậy, hiện nay, hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thường diễn ra trên không gian mạng, nhiều nhóm đối tượng thành lập các “công ty tài chính” trá hình, thậm chí ứng dụng internet, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá và lôi kéo “khách hàng”. Việc thu thập các chứng cứ về hoạt động cho vay này có những đặc thù bởi vậy việc đấu tranh với loại tội phạm này vẫn còn rất nan giải.
Do đó bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ quan chức năng cần tăng cường lực lượng để phát hiện, triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi, kể cả các đường dây cho vay nặng lãi trên không gian mạng để công tác đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này đạt được hiệu quả như mong đợi".
Theo luật sư Bình, để phòng ngừa, ngăn chặn bằng các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thông báo thủ đoạn của tội phạm để nhân dân cảnh giác, tấn công trấn áp, xử lý để răn đe tội phạm là nổ lực của ngành chức năng.
Bên cạnh đó, còn phải kiên quyết triệt xoá các tệ nạn xã hội và các loại tội phạm khác. Đồng thời, mỗi người cần tự nâng cao ý thức cảnh giác, kịp thời tố cáo khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu liên quan đến hoạt động vay lãi nặng, nên thận trọng và tránh xa các hình thức cho vay lãi nặng, hiểu rõ chiêu trò gài bẫy của một số đối tượng cho vay lãi nặng để đề phòng.
Nếu bị đe dọa, khủng bố, cần đề nghị công an can thiệp để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra ở địa phương. Khi có nhu cầu vay vốn cần cẩn trọng tìm hiểu rõ tính pháp lý của đơn vị cho vay và đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng vay tiền xem lãi suất là bao nhiêu, cách tính lãi suất và có phương án trả nợ cụ thể.
Sông Yên