Cải tạo đất lúa trồng quất, chàng trai trẻ thu cả trăm triệu đồng, làm giàu cho quê hương
Những ngày này, khi không khí của ngày Tết cổ truyền đang đến gần, vườn quất cảnh 1.130 cây của anh Nguyễn Song Thao (SN 1985, trú thôn Lâm Phúc, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cũng đang sẵn sàng góp thêm hương sắc trong ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, chuyên ngành ghép cải tạo giống vải, nhạn và các loại cây có múi năm 2003, anh Nguyễn Song Thao từng có thời gian dài làm việc tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, do niềm đam mê với giống cây trồng, năm 2018, anh rời phố về quê, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Từ 3 sào lúa của gia đình nằm sâu trong chân núi thuộc thôn Lâm Phúc, anh Thao đã đầu tư hàng trăm triệu đồng thuê máy múc đất, nâng mặt bằng để trồng 1.130 quất cảnh. Vào thời điểm đó, anh Thao là người đầu tiên đưa mô hình trồng quất về địa bàn huyện miền núi Hương Sơn.
Chia sẻ về ý tưởng đưa quất cảnh về trồng tại địa phương, anh Thao cho biết: “Lâu nay người dân Hương Sơn thường mua quất từ ngoài Bắc về chơi tết, trong khi đó, đây là địa bàn có điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp với cây có múi. Phát triển nghề trồng quất tại đây sẽ có nhiều cái lợi, thứ nhất là giảm được chi phí vận chuyển, thứ 2, nếu không bán hết thì đem trồng mà không lo hư hỏng, tốn kém”.
Theo anh Thao, để có những gốc quất to, khoẻ, sum suê bán vào dịp tết, bắt đầu từ tháng 3 (nếu năm nhuận thì vào tháng 4) là phải xuống giống. Số giống này được đặt mua từ Gia Lâm (Hà Nội) và Hưng Yên vào tháng của 9 năm trước. Khi mua giống về, cây đã cao quá đầu người.
“Sau khi trồng và cố định cây cho chắc chắn thì sẽ tiến hành cắt còn một nửa. Tuỳ theo mục đích tạo quất (quất thế hay quất tháp) mà cắt ngọn, tỉa cành theo cách khác nhau. Và cũng tuỳ thuộc vào ý đồ của chủ vườn mà mua loại cây giống 1 năm tuổi, cây giống 2 năm tuổi, hay cây giống 3 năm tuổi”, anh Thao cho biết.
Cũng theo anh Thao, trong nghề trồng quất cảnh, khó nhất là công việc gò quất (cắt tỉa, tạo dáng cho cây). Mặc dù khi trồng đã được cắt xén, tạo hình, tuy nhiên quá trình phát triển, cành lá lại mọc lộn xộn, chỗ dày, chỗ thưa nên phải gò lại cho đồng đều, cân đối. Bắt đầu từ tháng 10 là phải gò và yêu cầu trong vòng 1 tháng phải xong.
“Quất là giống cây ra hoa kết trái quanh năm, vì thế trong thời gian đầu, chủ vườn phải thăm nom thường xuyên, phát hiện cây nào có hoa thì vặt bỏ để tập trung cho cây phát triển. Bắt đầu từ tháng 5 và tháng 6 thì để cho hoa đậu quả, lứa quả này sẽ chín đúng vào dịp tết, nâng cao giá trị quất cảnh, từ đó mang về cho nhà vườn nguồn thu cao hơn”, anh Thao nói.
Chia sẻ kinh nghiệm để phân biệt giữa quất chín tự nhiên và quất chín ép, anh Thao cho biết: “Quất chín tự nhiên thì quả sẽ rất to, mọng vỏ và chín từ ngoài vỏ chín vào, còn bị ép chín là do chưa đến tuổi nên quả nhỏ hơn, vỏ sắt lại và chín từ trong cuống chín ra. Loại bị ép chín thường hay bở cuống và dễ bị rụng khi di chuyển hay gặp gió.
Nói về cách chăm sóc quất, anh Thao nhấn mạnh, trồng quất không quá vất vả, chỉ cần chăm sóc đúng quy trình. Sau khi trồng, đến thời kỳ cây bắt lộc thì phun phân bón lá mỗi tuần/1 lần. Hai tháng bắt quả thì nghỉ rồi lại phun tiếp. Phun tưới đúng định kỳ là cây sẽ phát triển tốt. Hơn nữa, quất ưa đất mới, cứ khoảng 3 năm thay đất 1 lần thì dường như cây không bị bệnh gì.
Hiện tại, vườn quất của anh Thao có tổng cộng 1.130 gốc, trong đó có 300 gốc trồng trong lu, 150 gốc sọ dừa và 680 gốc trồng trực tiếp vào đất. Theo dự kiến, năm nay quất sọ dừa sẽ bán 400.000 đồng – 500.000 đồng/cặp, quất chậu từ 400.000 đồng – 500.000 đồng/cây, quất lu 500.000 đồng – 700.000 đồng/lu. Tổng cộng doanh thu dự kiến trên 400 triệu đồng.
Nói về hiệu quả của việc trồng quất, anh Thao cho hay: “3 sào ruộng trước đây gia đình tôi thu hoạch được 1 tấn lúa/năm, tương đương 7 triệu đồng. Còn hiện tại, giá trị từ quất đem lại cao gấp hàng chục lần lần trồng lúa”.
Trần Hoàn