Cách ứng biến với những câu hỏi 'hóc búa’ của trẻ
Sau đây là những câu hỏi “hóc búa” của trẻ mà nhiều khi cha mẹ không biết nên trả lời như thế nào trong quá trình nuôi dạy con:
“Con được sinh ra như thế nào?”
Đối mặt với câu hỏi này nhiều cha mẹ sẽ lúng túng và không biết trả lời như thế nào. Người lớn có thể sẽ ngại vì không thể nhắc đến những vấn đề tế nhị, nên đôi khi sẽ trả lời cho có và không có tính khoa học như “bố mẹ nhặt được con”, “bố mẹ xin một đứa trẻ và các bà tiên đã mang con đến”… Những câu trả lời này sẽ khiến cho trẻ không hiểu được rõ vấn đề, thậm chí không cảm nhận hết tình yêu của cha mẹ.
Trong trường hợp này, tốt nhất bạn nên nói thật với trẻ theo cách mà trẻ có thể hiểu được. Nếu với một đứa trẻ nhỏ 4-5 tuổi, bạn có thể nói rằng: “Bố mẹ gặp nhau, yêu nhau và gắn kết bằng một đám cưới. Sau đó bố đã cho mẹ một phần của chính mình – một tế bào đặc biệt ở trong bụng mẹ, đó chính là con và sau hơn 9 tháng con đã ra đời”.
Nếu đứa trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể dùng những cuốn sách để giải thích cho con. Ngày nay, có rất nhiều sách khoa học, uy tín viết về chủ đề này với những giải thích dễ hiểu về cách tinh trùng và trứng kết hợp với nhau.
Qua lời giải thích này của bố mẹ, những gì đứa trẻ nhận thức và nhớ đó là: Con được sinh ra từ kết quả của tình yêu của bố và mẹ. Con là một phần của bố mẹ. Cách giải thích trung thực sẽ góp phần gắn kết hơn nữa bố mẹ và con.
“Con sẽ chết phải không?”
Thông thường, một đứa trẻ sẽ hỏi về cái chết khi chứng kiến sự ra đi của người thân hoặc của một con vật cưng. Lúc này bạn phải trả lời thế nào để con nhận thức được quy luật của sự sống nhưng không làm cho đứa trẻ sợ hãi. Bạn nên giải thích cho con rằng: “Cái chết là không thể tránh khỏi, nhưng không phải là sẽ đến sớm. Cái chết thường sẽ đến với con người khi còn người già đi.
Trước khi già đi, con sẽ trải qua một giai đoạn rất dài, lớn lên và trưởng thành. Trong giai đoạn đó, con còn rất nhiều việc phải làm. Con sẽ lớn lên, đi làm, có gia đình riêng, có con rồi có cháu. Điều quan trọng bây giờ là con phải thật khỏe mạnh để có thể lớn lên và trưởng thành”.
Điều đứa trẻ nhận thức và nhớ: Còn rất lâu nữa mới đến tuổi già. Trước khi già đi đứa trẻ còn một thời gian rất dài để làm được nhiều việc khác. Điều này sẽ làm cho đứa trẻ được trấn an và không còn lo lắng nữa.
“Tại sao bạn ấy lại đi tiểu khác con?”
Cách giải thích cho một đứa trẻ: “Thiên nhiên được sắp đặt theo cách mà mọi thứ trong nó được phân chia thành nam và nữ. Cả động vật và con người đều vậy. Ngoài các tính cách khác nhau, cơ thể của nam và nữ cũng khác nhau và bộ phận để đi tiểu cũng khác nhau. Đây là đặc trưng cấu tạo cơ thể khác nhau của nam và nữ. Con là bé trai/gái, nên con đi tiểu sẽ khác các bạn khác giới”.
Điều con nhận thức và nhớ: Sự khác biệt về giới tính cũng sẽ dẫn đến sự khác nhau của tính cách cũng như những hành vi trong cuộc sống hàng ngày.
“Tại sao đồ chơi của bạn khác lại đắt hơn của con? Con cũng muốn một đồ chơi như của bạn”
Nếu đứa trẻ thích và đòi mua một đồ chơi nào đó chỉ vì bạn khác có món đồ đấy thì bạn không nên nuông chiều khi con mè nheo. Bạn cho con mua chỉ vì muốn chiều con, hoặc đơn giản là để đứa trẻ im lặng. Hành động này sẽ nuôi dưỡng nên tính cách “không biết hài lòng” ở trẻ, nhưng theo hướng tiêu cực.
Điều này không giúp trẻ phấn đấu để có được điều mình cần mà chỉ đơn giản là muốn có được những gì mình không có, cũng có nghĩa rằng trẻ sẽ “cả thèm chóng chán”. Cũng như sẽ tác động tiêu cực đến cuộc sống của trẻ sau này trên mọi mặt từ cuộc sống, công việc đến hôn nhân.
Hãy giải thích cho con bạn rằng giá trị của món đồ chơi không nằm ở giá tiền. Điều quan trọng là phù hợp với con và cần thiết cho con. Một món đồ chơi đắt có thể cũng phù hợp với con nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Nếu con chỉ thích vì bạn có thì khi con có được con sẽ thấy nhanh chán. Quan trọng là con hãy khám phá món đồ mà con đang có và cảm nhận hết ý nghĩa của món đồ đó.
Điều con nhận thức và nhớ: Tình yêu quan trọng hơn những món đồ chơi đắt tiền và tình yêu của cha mẹ đối với con không phụ thuộc vào giá của đồ chơi. Hãy khám phá món đồ chơi mình có và nhận ra giá trị thực sự của món đồ chơi. Xem bản thân thực sự thích món đồ chơi vì điều gì. Hãy muốn có món đồ chơi khi thực sự cần.
“Tại sao con không có bố?”
Trong trường hợp này, bạn không nên nói dối con về bất kỳ câu chuyện nào về người bố. Kẻo sau khi phát hiện ra sự thật, đứa trẻ sẽ cho rằng bạn đã nói dối, hình thành nên tâm lý mất niềm tin vào mẹ.
Từ đó, trẻ sẽ nghi ngờ về những lời bạn nói sau này. Bạn hãy giải thích cho trẻ rằng, điều quan trọng là mẹ và bố đã yêu nhau nên mới sinh ra con. Nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc nên bố và mẹ không thể ở cùng nhau nữa.
Bố cũng rất yêu thương con, nhưng vì điều kiện không cho phép ở bên cạnh con. Nếu trong trường hợp bố đã chết, thì mẹ cũng nên thẳng thắn giải thích với con về quy luật của sự sống. Mẹ hãy nói cho đứa trẻ thấy, mặc dù không có bố nhưng mẹ sẽ yêu thương con thật nhiều và sẽ cố gắng để cho con có một cuộc sống tốt nhất.
Điều con nhận thức và nhớ: Đứa trẻ sẽ ghi nhớ rằng nó không phải là người đáng trách khi bố mẹ không ở cạnh nhau. Thường thì những đứa trẻ mang trong mình một cảm giác trách nhiệm cay đắng về việc bố mẹ chúng không ở bên nhau.
Và con sẽ thấy, con được sinh ra từ tình yêu của bố mẹ. Dù là vì lý do gì con không có bố bên cạnh thì bố mẹ đều yêu thương con và con vẫn sẽ có một cuộc sống tốt nhất.
Hạ Thảo (theo Gazeta)