Con gái bóc quà sinh nhật trước mặt khách rồi nói 1 câu khiến bố mẹ ngượng chín mặt
Trong buổi sinh nhật bé ở gần nhà, tôi vô tình chứng kiến cảnh tượng xót xa khi cô bé mở gói quà và thốt lên: “Ôi, lại là quần áo, sao mà chán quá!”, khiến cả bố mẹ và người tặng quà cảm thấy vô cùng xấu hổ. Lúc này, việc quát mắng trẻ sẽ chẳng mang lại lợi ích gì, thậm chí có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Vì vậy, để tránh rơi vào trường hợp tương tự như trên, cha mẹ cần dạy con nói lời cảm ơn, thể hiện sự trân trọng đối với bất kỳ món quà nào mà con nhận được.
Giải thích ý nghĩa của lời cảm ơn đối với trẻ em
Các bậc cha mẹ phải luôn ý thức rằng, việc dạy con thể hiện lòng biết ơn là điều rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả việc trang bị kiến thức cho con.
Có thể khi bạn nói “Khi con nhận được một món quà, dù con không thích nhưng hãy nói lời cảm ơn” thì con bạn sẽ thắc mắc “Tại sao, tại sao lại cảm ơn điều mà con không thích?”.
Do đó, nếu bạn muốn dạy trẻ nói lời cảm ơn, trước hết hãy giải thích cho trẻ hiểu “cảm ơn” thực sự có nghĩa là gì. Ví dụ, bạn để trẻ hiểu rằng người khác tặng quà cho mình là cách thể hiện sự quan tâm của họ dành cho trẻ, họ yêu quý và trân trọng trẻ chứ không đơn giản chỉ là một món đồ. Vì vậy, món quà gì không quá quan trọng, khi chúng ta nhận quà nghĩa là chúng ta đang nhận tấm lòng của người khác, nên thể hiện sự trân trọng.
Thực hành nói cảm ơn càng sớm càng tốt
Đừng đợi cho đến khi con bạn nhận quà và làm “xấu hổ”, bạn hãy dạy chúng thêm về cách nói lời cảm ơn. Hãy tập cho bé từ sớm để lòng biết ơn dần hình thành và biến thành thói quen tốt.
Bạn không cần phải đợi cho đến khi con bạn có thể nói chuyện để hướng dẫn trẻ nói lời cảm ơn. Thay vào đó, khi có cơ hội, bạn hãy thì thầm vào tai trẻ những lời như: Cảm ơn mặt trời đã chiếu rọi chúng ta, cảm ơn vì chiếc tủ lạnh giúp thực phẩm tươi lâu, nhờ hoa làm đẹp hơn cho căn phòng...
Lòng biết ơn có thể được trau dồi ngay từ khi còn nhỏ và trở thành thói quen khi trưởng thành. Chúng ta có thể dạy trẻ từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống mà không cần đợi đến khi trẻ nhận được quà hay trong một tình huống cụ thể.
Sau này, khi trẻ lớn hơn, trước khi ăn, bạn yêu cầu trẻ nói lời cảm ơn vì đã chuẩn bị bữa ăn, hoặc khi có người giúp việc gì thì trẻ cũng nên nói lời cảm ơn.
Khuyến khích con giúp đỡ người khác
Lòng biết ơn thường xuất phát từ sự thấu hiểu, nếu chỉ hướng dẫn trẻ nói “Cảm ơn” thôi thì chưa đủ, hãy để trẻ từ từ cảm nhận điều đó thông qua việc để trẻ giúp đỡ bố mẹ và những người xung quanh.
Bạn có thể khuyến khích trẻ làm việc nhà như lau bàn, rửa bát, tưới cây... Điều này không chỉ dạy trẻ tính tự lập mà còn giúp trẻ hiểu được rằng không có gì là đương nhiên, cha mẹ không phải là người có nghĩa vụ phải làm mọi việc cho trẻ.
Thực tế, nếu bạn nuông chiều con quá mức, làm mọi việc cho con với suy nghĩ “trẻ con không biết gì”, chúng sẽ thường lớn lên với thái độ vô ơn.
Nếu bạn cảm thấy khó giải thích rằng món quà nào cũng có giá trị, bạn có thể cho trẻ trải nghiệm thực tế bằng cách trực tiếp mua sắm, tự tay gói những món quà, như vậy trẻ sẽ hiểu rằng khi ai đó tặng quà thì tốn bao nhiêu thời gian và công sức.
Đừng chỉ trích khi bạn chưa đạt được điều đó
Sẽ có lúc bạn cảm thấy bực bội khi cố gắng dạy con nói lời cảm ơn thật nhiều nhưng khi ở trong một tình huống cụ thể với người ngoài, con vẫn không biết phải làm thế nào cho đúng. Trong tình huống đó, bạn nên cố gắng giữ bình tĩnh, đừng la hét để làm trẻ sợ hoặc xấu hổ.
Bạn cần hiểu rằng trẻ phải mất một thời gian thực hành nhiều lần mới có thể thuần thục được. Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy kiên nhẫn với con mình. Đừng ngại lặp đi lặp lại điều này khi bạn hiểu rằng điều này thực sự quan trọng.
Trên thực tế, khoa học đã chứng minh rằng trẻ em không hiểu hết ý nghĩa của lòng biết ơn cho đến khi chúng được 8 - 10 tuổi. Vì vậy, dưới độ tuổi này, trẻ vẫn quen thẳng thắn bày tỏ cảm xúc cá nhân, vì vậy bạn vẫn phải quan tâm và từ tốn dạy trẻ thay vì tức giận và chỉ trích trẻ.
Ngay cả khi bạn không hài lòng với những hành động của trẻ, hãy đợi cho đến khi bạn có thể thảo luận riêng để giải thích cho trẻ về hành vi bất lịch sự của trẻ và tìm cách thay đổi trong lần tiếp theo.
Hạ Thảo (theo Gazeta)