10 cụm từ cha mẹ tuyệt đối không được nói nếu muốn nuôi dạy con tốt
Những từ ngữ cha mẹ hoặc người lớn nói ra có thể gây tổn hại đáng kể cho trẻ, làm suy giảm sự tự tin của trẻ, thậm chí dẫn đến trầm cảm hoặc rối loạn thần kinh. Điều này xảy ra do trẻ rất dễ tiếp thu và tin tưởng tất cả những gì cha mẹ nói và làm. Trẻ không biết cách “lọc” những gì người lớn nói và hoàn toàn tin tưởng, trẻ sẽ vô thức hằn sâu những lời nói của người lớn vào trong tâm trí.
Theo đó, tất cả những thông tin mà đứa trẻ nghe được về thế giới, về con người và về bản thân sẽ quyết định nhận thức sâu hơn của trẻ về bản thân và các mối quan hệ của trẻ với người khác.
Chuyên gia tâm lý người Nga Victoria Alexandrovna Bogdanova mới đây đã đưa ra 10 cụm từ cha mẹ không nên nói với con để trẻ có thể phát triển tốt nhất về tâm lý:
1. "Xấu như X - một người mà cha mẹ có ác cảm"
Khi cha mẹ lên án, so sánh những đặc điểm hoặc hành vi của một đứa trẻ với những đặc điểm hoặc hành vi của một người họ hàng không được chào đón, đứa trẻ cũng sẽ coi mình không được chấp nhận, hoặc có những “thói xấu” như người kia. Điều này sẽ làm trẻ tự ti và khép mình.
2. “Sao con lại vậy? Như bạn này, bạn kia… tốt hơn con”
“Con nhà người ta” luôn là đứa con ngoan nhất! Với câu nói này, cha mẹ thúc đẩy sự cạnh tranh và bất an của trẻ. Bạn không làm cho con mình tốt hơn mà làm nảy sinh tâm lý sợ không vừa lòng bạn, sợ mất tình yêu của bạn, từ đó tạo ra chứng loạn thần kinh cho trẻ. Hãy nhớ rằng, con của bạn cũng là “con nhà người ta” trong mắt bạn.
3. “Đừng khóc/tức giận/lo lắng về điều đó”
Mọi cảm xúc đều cần thiết và tốt đẹp. Khi nói những câu như vậy, bạn đã làm mất giá trị tình cảm của trẻ, cấm cảm nhận và bộc lộ cảm xúc. Tuy nhiên, cảm giác không đi đến đâu, chúng vẫn ở trong tâm lý, những cảm xúc không được thể hiện sẽ khiến trẻ rối loạn thần kinh hoặc trầm cảm.
4. “Con không làm được cái gì cả. Con sẽ khó có thể thành công”
Với câu nói này, cha mẹ làm cho đứa trẻ cảm nhận được sự mất lòng tin của cha mẹ đối với chúng, từ đó có thể làm mất sự tự tin. Lâu dài, điều này sẽ làm cho trẻ mất định hướng trong tương lai, cũng như làm cho trẻ không phát huy được sức mạnh và khả năng thực sự của bản thân.
5. “Sao đơn giản như vậy mà con cũng không làm được”
Có những lúc cha mẹ quên rằng con mình vẫn chỉ là một đứa trẻ mà yêu chúng phải làm được những việc ngoài khả năng, thậm chí là những việc mà phải mất thời gian dài cha mẹ mới làm được.
Nếu con bạn chưa làm được điều gì, hãy kiên nhẫn và hướng dẫn trẻ mà không đòi hỏi phải đạt được một kết quả tốt ngay từ đầu.
6. “Con làm vậy sẽ không mang lại điều gì tốt”
Với cụm từ này, bạn nói với đứa trẻ rằng bạn thất vọng về con, rằng đứa trẻ là kẻ thất bại. Điều này sẽ làm cho trẻ nghĩ rằng mình vô giá trị và không được yêu thương. Kể từ khi trẻ nhìn bản thân qua con mắt của cha mẹ, đứa trẻ bắt đầu cảm thấy thất vọng về bản thân.
7. “Bố mẹ đã làm rất nhiều cho con, nhưng mà con không biết ơn về điều đó”
Cha mẹ làm mọi thứ vì con không phải vì lòng biết ơn mà là vì lợi ích của trẻ và tình yêu đối với con. Tuy nhiên, có những lúc nóng giận, bố mẹ có thể buột miệng nói những câu “kể công” với con. Những câu nói như vậy có thể làm cho con cảm thấy mình là gánh nặng của bố mẹ.
8. “Điều đó không có gì đặc biệt. Ai cũng có thể làm được”
Với câu nói này, cha mẹ không thừa nhận tính cá nhân của đứa trẻ, cho rằng con mình cũng giống như những đứa trẻ khác và khả năng của trẻ là hết sức bình thường. Điều này sẽ làm cho trẻ chán nản, tự ti về bản thân, làm cho trẻ không có mong muốn phấn đấu trong tương lai.
9. “Con nên thấy xấu hổ vì điều đó”
Có những cách và lời nói khác để truyền đạt cho đứa trẻ rằng nó nên xem xét lại hành vi của mình. Xấu hổ như là một cảm nhận rằng bản thân đã làm sai điều gì đó rất nghiêm trọng.
Điều đó sẽ làm cho trẻ thấy bản thân đang có lỗi hoặc có những hành động không đúng. Trong khi đó, một đứa trẻ có thể chưa đủ khả năng để nhận thức được hành động của mình là đúng hay sai. Lúc này, bố mẹ nên kiên nhẫn phân tích cho con điều phải, cũng như những cái chưa đúng không nên làm để con có thể cư xử đúng mực hoặc hành động phù hợp hơn.
10. “Bố mẹ bảo con làm như thế nào thì cứ làm như vậy đi”
Với cụm từ này, bố mẹ muốn khẳng định lẽ phải của bản thân. Người lớn luôn nghĩ rằng mình đúng, cách mình làm là tốt nhất mà không biết rằng trẻ có thể hoàn thành tốt mọi việc theo cách của một đứa trẻ.
Mặc dù trẻ không làm tốt thì hãy cho đứa trẻ quyền được mắc lỗi và tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Điều này sẽ làm cho đứa trẻ nhanh chóng ghi nhớ và làm tốt hơn ở lần sau.
Hạ Thảo (theo Gazeta)