Cả F0, F1 gian dối giấu nhẹm cuộc gặp gỡ: "Anh em y tế đang rất bức xúc"
Cả F0 và F1 quyết giấu, không khai hành trình của mình dẫn đến để lọt F1 và F1 nhanh chóng biến thành ca bệnh F0 trong cộng đồng - đó là sự nguy hiểm
Quảng Ninh phạt nặng, Hà Nội đến khi nào xử nghiêm trường hợp khai báo gian dối? |
Liên quan đến trường hợp dương tính mới với Covid-19 trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, đến nay đã ghi nhận thêm hai ca dương tính với Covid- 19 là con gái và người giúp việc của bệnh nhân thứ 25 của Hà Nội (N.T.K.A., nữ, sinh năm 1993; sống tại Tòa nhà Garden Hill, 99 Trần Bình, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm).
Bệnh nhân từng có tiếp xúc với BN 1722 (em vợ BN 1694) ngày 26/1 tại cổng tòa nhà, tuy nhiên đã không khai báo để được thực hiện cách ly y tế.
Ngày 05/02/2021 bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho và đau rát họng. Ngày 6/02/2021 bệnh nhân gọi điện vào số điện thoại đường dây nóng của CDC Hà Nội xin tư vấn.
Đến ngày 07/02/2021: Bệnh nhân được Trung tâm y tế quận Nam Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính SAR-COVS cùng ngày.
Ông Trương Quang Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, bệnh nhân đã khai báo quanh co, không trung thực. Bệnh nhân giấu diếm lịch trình di chuyển và tiếp xúc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch của quận nói riêng, của thành phố nói chung.
Đặc biệt, bệnh nhân BN1722 (em vợ BN1694) cũng không khai báo nên ảnh hưởng rất nhiều đến công tác phòng chống dịch.
“Ở đây tôi xin nhấn mạnh đó là do trách nhiệm cá nhân của người bệnh đối với cộng đồng và họ không công khai thì sẽ phải có những biện pháp đề nghị để xử lý. Bởi đến bây giờ bệnh nhân vẫn không khai đánh dấu hành trình của mình và họ không khai mình là F1 - đó là sự nguy hiểm quy về trách nhiệm cá nhân, che giấu thông tin. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay, những hành động này phải xử lý nghiêm,” ông Việt cho hay.
Nói rõ hơn về việc ngành Y tế có đề nghị xử lý những trường hợp khai báo gian dối hay không trong đó cụ thể đối với trường hợp nữ bệnh nhân thứ 25 này, ông Khổng Minh Tuấn cho biết, “vụ việc này có bị điều tra và xử lý theo pháp luật hay không thuộc về bên cơ quan công an".
Tuy nhiên ông Tuấn cũng nhấn manh, “phía y tế đương nhiên có ý kiến và đã có ý kiến nhiều lần, nhiều nơi chứ không gì riêng trường hợp này”.
“Tình tiết như thế nào, cơ quan công an có vào cuộc như thế nào không là việc của cơ quan điều tra.
Trường hợp N.T.K.A ở chung cư Garden Hill, quận Nam Từ Liêm bị dương tính với Covid -19 là điển hình cho tình trạng bỏ sót. Dẫn tới việc F1 có 10 ngày bệnh nhân đi lại trong cộng đồng và thành F0.
Việc quyết định xử lý các trường hợp như vậy bên y tế không thể quyết định nhưng y tế có đề xuất xử lý”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Infonet, ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch Quận Nam từ Liêm xác nhận, trường hợp F1 tiếp xúc F0 không khai báo, trốn cách ly. Người này là F1 nếu khai báo từ đầu thì đã phải đưa đi cách ly tập trung.
Vì người này không khai báo nên cơ quan chức năng không biết, đến khi bệnh nhân ho sốt mới gọi điện đến y tế.
Về xử lý đối với ca F1 quyết không khai báo dẫn đến nhiễm Covid-19 khiến cả tòa nhà nghìn dân phải phong tỏa, ông Long cho biết: "Chúng tôi đang đề nghị lập hồ sơ để xử lý, căn cứ vào quy định, khi có kết quả sẽ thông tin".
Trong diễn biến khác, đại diện UBND quận Nam Từ Liêm cũng cho biết, với các trường hợp trốn tránh này, Quận sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật sau khi điều trị khỏi bệnh.
Bày tỏ bức xúc, một chuyên gia y tế dự phòng gắn bó từ những ngày đầu dịch Covid- 19 xâm nhập vào nước ta cho biết, anh em y tế cũng đang “rất bức xúc”. Bởi chỉ với một hành vi thiếu ý thức, không trung thực trong khai báo y tế sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn.
Bằng chứng trước mắt là cả một toà chung cư với hàng ngàn người phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Kéo theo đó là bao nhiêu nhân lực của ngành y tế xuyên đêm điều tra truy vết, hàng trăm người từ các tổ chức khác của địa phương phải vào cuộc phối hợp khoanh vùng, dập dịch.
“Tốn kém công sức mà nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng là lớn vô cùng”, vị này cho hay.
Theo chuyên gia này, việc xử phạt thuộc về chính quyền và BCĐ phòng chống dịch của Hà Nội. Tuy nhiên, với quan điểm cá nhân, chuyên gia này cho rằng cần phải xử nghiêm đối với những trường hợp này.
“Hải Phòng, Quảng Ninh và một số địa phương đã xử phạt nặng rồi. Tại sao Hà Nội không xử lý điểm ngay những trường hợp này để tạo tính răn đe?”, vị này bày tỏ.
Chung nỗi bức xúc, nhiều tài khoản trên mạng xã hội cũng bày tỏ quan điểm cần phải xử thật nghiêm đối với những trường hợp khai báo gian dối, cụ thể ở đây là trường hợp ca bệnh thứ 25 của Hà Nội.
Trong khi đó, một luật sư khẳng định việc che giấu, khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A ngoài bị phạt tiền, còn có thể bị xử lý hình sự.
Cụ thể tại khoản 3 điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính Phủ về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế”, quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Ngoài việc bị phạt tiền như trên, việc không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối còn có thể bị xử lý hình sự theo hướng dẫn tại điều 1 Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Cụ thể, người đã được thông báo mắc bệnh; Người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19, đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi dưới đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, có thể bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm.
N. Huyền - Tiến Dũng