Bỏ qua điều này khi bị một vết cứa chân, người đàn ông cứng hàm, toàn thân co cứng
Nhiều trường hợp bị uốn ván nguy kịch chỉ từ vết thương nhỏ như gà mổ, gai đâm… mà hầu hết nghĩ không mắc uốn ván nên chủ quan không đi tiêm phòng.
Bệnh nhân co cứng hàm, cứng người chỉ vì một vết cắt ở chân |
Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.N 38 tuổi, trú tại huyện Quảng Hòa, Cao Bằng, nhập viện trong tình trạng vết thương vùng cẳng chân phải sưng tấy rớm máu, cứng hàm, há miệng hạn chế, co cứng cơ toàn thân.
Theo lời người nhà kể, bệnh nhân làm nghề cơ khí, cách ngày vào viện 10 ngày anh không may thanh sắt cứa vào vùng chân phải. Nghĩ bình thường nên người đàn ông này không đi tiêm phòng uốn ván.
Ở nhà, anh này cũng không uống thuốc gì. Đến sáng ngày 11/9/2021 xuất hiện cứng hàm, không ăn được gì, người mệt mỏi nhiều nên được người nhà đưa vào Bệnh viện tỉnh khám và điều trị.
Qua thăm khám làm các xét nghiệm cận lâm sàng bệnh nhân được chẩn đoán: Uốn ván /Vết thương nhiễm trùng cẳng chân phải. Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị, chăm sóc tại Khoa Truyền nhiễm.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị biến chứng nặng do uốn ván. Trước đó vào tháng 5/2020, Khoa Cấp Cứu - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận bệnh nhân nam Đỗ Xuân C., 62 tuổi, tiền sử gout mạn tính 20 năm.
Trước vào viện 2 tuần, nhiều hạt tophi hai bàn chân bị vỡ tiếp xúc với bùn đất khi đi bừa ruộng. Nghĩ vết thương không nghiêm trọng, bệnh nhân ở nhà không điều trị gì. Bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu sau một tuần trong tình trạng: cứng hàm, đau vùng cơ căn hai bên, nói khó, nuốt khó tăng dần, thỉnh thoảng có cơn co giật căng cứng lưng, thời gian rất ngắn, vã mồ hôi, sốt cao liên tục 38-39 độ.
Sau khi được khám và chẩn đoán bị uốn ván. Bệnh nhân sau đó được chuyển vào điều trị tại khoa Hồi sức truyền nhiễm.
BS. Lê Khánh Ninh - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, uốn ván là một loại bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao. Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani phát triển tại vết thương gây ra.
Thông thường trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ…
Một số trường hợp phẫu thuật hay nạo phá thai trong điều kiện trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh cũng có khả năng bị nhiễm bệnh. Trẻ em sơ sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh, gọi là uốn ván sơ sinh.
Các triệu chứng của bệnh uốn ván được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân mình như ngực, cổ, lưng, bụng và mông. Co các cơ thắt lưng tạo ra tư thế uốn cong lưng đặc trưng.
Co thắt các cơ hô hấp ảnh hưởng đến việc hô hấp. Việc co cơ mạnh, đột ngột, kéo dài gây đau cơ, có thể rách cả cơ và gãy xương.
Các triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, bồn chồn, khó chịu, bí tiểu, nóng rát khi đi tiểu và đại tiện mất kiểm soát.
Thời gian ủ bệnh thường trong khoảng 3- 10 ngày nhưng cũng có thể tới 3 tuần. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì nguy cơ tử vong càng cao.
BS. Lê Khánh Ninh cũng nhấn mạnh nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Gãy xương: thông thường sẽ bị co thắt cơ hoặc co giật những trường hợp nặng có thể bị gãy xương do những cơn co cứng gồng mình. Người bị uốn ván cũng có thể gặp tình trạng co thắt thanh quản: gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp; Động kinh: nếu nhiễm trùng lan đến não, cũng có thể gặp tình trạng như động kinh.
Ngoài ra, người mắc uốn ván còn có thể bị viêm phổi do hít vào dịch tiết của dạ dày, dẫn đến viêm phổi, thuyên tắc phổi thậm chí suy thận.
Các bác sĩ khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cảnh báo uốn ván là bệnh nguy hiểm, ở thể tối cấp, khi đã xuất hiện triệu chứng tỷ lệ tử vong rất cao, nếu không tử vong thì thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị rất tốn kém. Thời gian ủ bệnh uốn ván kéo dài từ 3 - 21 ngày, trung bình là từ 7 - 8 ngày. Do đó, cần tiêm phòng uốn ván càng sớm càng tốt, thời gian tốt nhất là trong vòng 24 giờ để phòng ngừa vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
Qua trường hợp bệnh nhân này, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần cảnh giác phòng tránh bệnh.
Theo đó, trong quá trình làm việc tại những nơi dễ dàng bị thương hay thường làm việc với những vật dụng sắt nhọn cần trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn lao động như giày bảo hộ, găng tay chống cắt, đồ bảo hộ.
Khi có vết thương hở, cần rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch, loại bỏ tất cả các chất bẩn, dị vật bám lên vết thương (có thể sử dụng oxy già, dung dịch sát khuẩn povidon), băng bó và đến cơ sở gần nhất để tiêm phòng uốn ván.
N. Huyền