Bí ẩn về nghĩa trang trên Quảng trường Đỏ gần bức tường Kremlin
Tổng cộng, tro cốt của 400 người khác nhau - các nhà cách mạng Nga và nước ngoài, các nhà lãnh đạo đảng, nhà lãnh đạo quân sự và những công dân nổi tiếng nhất của Nga và Liên Xô, đang nằm gần bức tường Kremlin. Tuy nhiên, rất ít người biết về lịch sử của nghĩa trang bí ẩn này.
Ngôi mộ tập thể
Ở Moscow, Quảng trường Đỏ trước đây không chỉ là khu thương mại-dịch vụ sầm uất, mà còn là một nghĩa trang bình thường của giáo xứ, nơi người dân được chôn cất tự do.
Theo truyền thống Chính thống giáo, một người đã tìm thấy nơi ẩn náu cuối cùng của mình bên cạnh nhà thờ giáo xứ. Nhưng dần dần truyền thống này bắt đầu trở thành dĩ vãng, đến đầu thế kỷ 20, các đám tang gần Điện Kremlin thực tế không được tổ chức.
Nhưng trong Cách mạng tháng 10, cuộc tấn công vào Điện Kremlin ở Moscow đã chứng kiến số nạn nhân thiệt mạng lớn hơn nhiều so với việc chiếm Cung điện Mùa đông ở Saint Peterburg. Do đó, khi cuộc cách mạng qua đi, một lễ tang tập thể lần đầu tiên được tổ chức trên Quảng trường Đỏ.
Vào ngày 8/11/1917, hai ngôi mộ tập thể đã được đào giữa bức tường Kremlin và đường ray xe điện, trải dài từ Nikolsky đến Cổng Spassky.
Hai ngày sau, 238 chiếc quan tài của những “chiến sĩ cách mạng” đã ngã xuống trong trận chiến tại Điện Kremlin đã được hạ xuống. Trong số này, các nhà sử học biết chính xác tên của 57 người và phần còn lại vẫn vô danh.
Vào tháng 3/1918, chính phủ Bolshevik chuyển đến Moscow, đã chọn Điện Kremlin làm nơi làm việc. Đồng thời, Quảng trường Đỏ còn được sử dụng như một nghĩa trang cách mạng và việc chôn cất tập thể vẫn tiếp tục diễn ra.
Cho đến năm 1927, 15 ngôi mộ khác đã được đào ở đây, trong đó họ chôn cất không chỉ những người chết trong Nội chiến mà cả những người chết do các thảm họa khác.
Sau đó, việc chôn cất riêng cho những đảng viên Bolshevik nổi bật thường xuên được tổ chức tại đây, mà người đầu tiên nhận được vinh dự như vậy là Yakov Sverdlov, người đã chết vì bệnh cúm Tây Ban Nha.
Sau Sverdlov, Mikhail Frunze, Felix Dzerzhinsky, Kalinin, Zhdanov, Stalin, Voroshilov, Budyonny và các nhà lãnh đạo nổi tiếng khác của Liên Xô đã được chôn cất gần bức tường Điện Kremlin.
Nhìn chung, trên Quảng trường Đỏ có 12 ngôi mộ cá nhân, trong đó ngôi mộ cuối cùng thuộc về Konstantin Chernenko, “đảng viên lão thành nhất của Kremlin” và là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô.
Những nhà cách mạng kém nổi tiếng hơn được hỏa táng và tro cốt được chôn trong bức tường Kremlin. Giờ đây, khu vực này được gọi là “Bức tường của những người cộng sản”.
Các hốc của nhà thờ được bố trí những tấm bia tưởng niệm, lúc đầu còn có văn bia ngắn gọn, nhưng về sau chỉ ghi ngày tháng và tên của người được chôn cất.
Tổng cộng, có 114 hốc như vậy trong bức tường Kremlin... Sau này, vào năm 1984, tro cốt của Bộ trưởng Quốc phòng Nguyên soái Dmitry Ustinov cũng được cất giữ tại đây.
Trên bức tường Kremlin cũng có cất giữ tro cốt của một số người nước ngoài. Tên của họ có thể nói lên rất ít điều đối với một người hiện đại, nhưng trong thời Liên Xô, mọi công dân của đều biết họ.
Jeno Landler người Hungary, Fritz Heckert người Đức, Charles Rutenberg người Mỹ, Sen Katayama người Nhật - tất cả họ đều là những nhà lãnh đạo cộng sản nổi danh ở đất nước mình.
Thật thú vị, cũng đã từng có những trường hợp tro cốt được lưu giữ trong bức tường Kremlin, nhưng sau đó lại bị trục xuất. Đó là trường hợp của nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc Sergei Kamenev ở nước Nga Xô Viết. Từng là một sĩ quan Sa hoàng, Sergei Kamenev đã đứng về phía những người Bolshevik, tham gia Nội chiến.
Sergei Kamenev qua đời năm 1936 vì một cơn đau tim, được hỏa táng và chiếc bình đựng tro cốt được đặt trong bức tường. Tuy nhiên, một năm sau, Sergei Kamenev đã bị liệt kê vào “nhóm Tukhachevsky chống Liên Xô”.
Tất cả các địa danh được đặt theo tên Sergei Kamenev đều lặng lẽ được đổi tên lại, và chiếc bình đựng tro cốt đã bị loại bỏ. Chỉ đến những năm 1960, tên tuổi của Sergei Kamenev mới được phục hồi và tấm biển có tên ông được phục hồi, nhưng số phận của hộp đựng tro cốt của Sergei Kamenev không ai biết rõ.
Trung tâm của toàn bộ “nghĩa trang đỏ” là Lăng Lenin. Ban đầu, lăng được làm bằng gỗ, chỉ đến năm 1930, một hầm mộ bằng đá granit mới được xây dựng, tồn tại ở trung tâm Quảng trường Đỏ đến nay.
Trong những năm chiến tranh, lăng đã được ngụy trang cẩn thận, được che phủ bằng một tấm ván lớn có cửa sổ sơn màu, mái nhà và thậm chí cả ống khói, từ trên cao trông giống như một ngôi nhà gỗ.
Sau cái chết của Stalin, Đảng Cộng sản Liên Xô đã ra một nghị quyết về việc xây dựng một đền thờ lớn ở Moscow, nơi an nghỉ của “tất cả những người con vĩ đại của đất nước Xô Viết”, gồm cả những người đã được chôn cất gần bức tường Kremlin.
Vị trí trung tâm của đền thờ sẽ đặt hai cỗ quan tài pha lê bảo quản thi thể của Lenin và Stalin. Diện tích 500 ngàn m2 đã được chuẩn bị cho dự án và một cuộc thi để lựa chọn một dự án kiến trúc đã được tổ chức trên toàn quốc. Sự hoành tráng, đa dạng và quy mô của các tác phẩm dự thi đã làm các nhà tổ chức kinh ngạc.
Những đền thờ theo phong cách của các tòa nhà La Mã, mô hình hiện đại của ngôi đền Artemis Hy Lạp (một trong bảy kỳ quan thế giới đã bị phá hủy), những quả cầu đồ sộ và thậm chí cả những bức tượng khổng lồ của Lenin và Stalin.
Nhưng đến năm 1956, sau sự thoái trào của xu hướng sùng bái cá nhân, ý tưởng bảo quản thi hài Stalin trong quan tài pha lê biến mất, thậm chí thi hài ông còn bị bí mật đưa ra khỏi lăng Lenin và được chôn cất trong sân một nhà thờ ở Điện Kremlin.
Vào năm 1974, “nghĩa trang đỏ” chính thức được công nhận là một di tích được nhà nước bảo vệ. Nghĩa trang đã được tôn tạo một cách nghiêm túc, những cây linh sam mới được trồng, những ngôi mộ tập thể được xây dựng lại, những biểu ngữ bằng đá granit và những chiếc bình bằng đá cẩm thạch được lắp đặt.
Trong lịch sử, “nghĩa trang đỏ” có một lần đối diện với nguy cơ bị phá bỏ hoàn toàn là vào năm 1990. Khi đó, báo chí đã nêu vấn đề chuyển tất cả các ngôi mộ gần Điện Kremlin sang một nghĩa trang bình thường.
Tuy nhiên, khi đó tại Nga vẫn có luật cấm xâm phạm các ngôi mộ mà không có sự đồng ý của người thân người quá cố. 12 góa phụ và con cháu của những người được chôn cất gần bức tường Kremlin đã viết một tuyên bố phản đối việc di chuyển và gọi “nghĩa trang đỏ” là “nơi an nghỉ danh dự vĩnh hằng của hơn 400 người - những người đã vinh danh và là niềm tự hào của nước Nga”.
Kể từ cuối những năm 90 đến nay, Lăng Lenin và những ngôi mộ gần bức tường Điện Kremlin là một phần không thể thiếu của quần thể Quảng trường Đỏ, trở thành di sản văn hóa thế giới được UNESCO bảo vệ. Vì vậy, hiện tại không có gì có thể đe dọa “nghĩa trang đỏ”.
Hạ Thảo (lược dịch)