Bầu Kiên – lãnh đạo “độc tài” trong mắt đồng nghiệp
Các lãnh đạo của ACB đang dính vào một vụ bê bối lịch sử, không chỉ đẩy họ vào vòng lao lý, mà danh tiếng cũng tiêu tan. Công chúng có lẽ sẽ đặt ra câu hỏi về “bóng ma” nào đã dẫn lối cho một loạt những người hiểu luật hơn ai hết lại vượt qua ranh giới của pháp luật? Câu trả lời có lẽ sẽ phần nào được giải đáp khi nhìn lại những “dấu ấn” của Bầu Kiên trong vụ án này.
Trong một thời gian dài, “bầu” Kiên đã góp phần “tích cực” làm “méo mó” thị trường tiền tệ, chứng khoán của Việt Nam bằng sức mạnh của đồng tiền không phải của mình. Và tại ACB, bầu Kiên bằng những chỉ đạo “bạo miệng” của mình, nay đã đưa cả dàn lãnh đạo ACB ngồi trên chảo lửa.
TT HĐQT là cơ quan lãnh đạo cao nhất của ACB, nhưng “bộ não” ấy đã bị chi phối bởi nhóm được xem là “cổ đông lớn”, cổ đông có “quyền thật”. “Bộ não” ấy không chỉ lắng nghe các ý kiến chỉ đạo của Kiên, mà ngay cả khi đã “quyết” thì vẫn cần đến cái “gật đầu” của Kiên để có thể biến chủ trương thành hành động. Nếu chỉ dừng lại ở những quyết sách kinh doanh thuần túy bị tầm ảnh hưởng của Kiên chi phối còn là một lẽ, khi đó hiệu quả của nó có thể phụ thuộc vào “kinh nghiệm hay”, “sáng kiến tốt” của Kiên; nhưng nguy hiểm là ở chỗ: quyết sách ấy có đúng quy định của pháp luật hay không?
Tại Cơ quan điều tra, đồng loạt các vị có trách nhiệm cao nhất tại ACB đều khai rằng, tại ACB, hầu như mọi ý kiến của bầu Kiên đều trở thành nghị quyết của TT HĐQT hoặc thiếu ý kiến Kiên thì Nghị quyết cũng không thể triển khai, dù Kiên chẳng có “chân nào” trong TT HĐQT.
Lời khai ông Trần Mộng Hùng giống như lời tự sự chua chát: “Anh Kiên khi đã đưa ra quan điểm chỉ đạo thì phải thực hiện đến cùng, không thực hiện không được. Bản thân tôi cũng là cổ đông lớn, là người sáng lập ra ACB mà anh Kiên còn nói là anh làm việc gì cũng sợ rủi ro thì nghỉ đi để người khác làm …”.
Tại cuộc họp của Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB ngày 22/03/2010, trước tình hình số tiền huy động nhiều nhưng cho vay lại hạn chế, dẫn đến việc ứ thừa vốn, sức ép trả lãi tăng, … dù ông Trần Mộng Hùng, khi ấy là Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB, đã đề nghị giảm bớt lãi suất huy động để giảm số tiền dân gửi, nhưng chỉ một câu gọn lỏn của bầu Kiên “Làm gì thì làm, nhưng không được giảm tổng tài sản của ACB” thì mọi đề xuất đều chìm vào im lặng. Nhanh chóng, TGĐ Lý Xuân Hải đưa ra phương án “biến tướng của việc ngân hàng gửi tiền vào ngân hàng” là: thực hiện ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi các tổ chức tín dụng khác để lấy tiền lãi cao hơn lãi suất NHNN quy định.
Thực hiện chủ trương này, Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hoà đã được nguyên TGĐ Lý Xuân Hải chỉ đạo và uỷ quyền để triển khai thực hiện việc uỷ thác gửi tiền vào các TCTD. Từ tháng 03/2010 đến tháng 9/2011, ACB đã thực hiện ủy thác gửi tiền tại 29 TCTD với số tiền gửi trên 37.000 tỷ và 71 triệu USD, hưởng lãi gần 1.600 tỷ đồng và 1,3 triệu USD (trong đó phần thu nhập bất chính từ phần lãi vượt trần là 247 tỷ) đến nay đã thu hồi hết chỉ còn khoản tiền bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt là 718,908 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, là dù biết hay không biết sự sai trái của hành vi ủy thác này, thì không một thành viên nào trong Ban Lãnh đạo đủ “dũng cảm” để bảo vệ ý kiến, chứ chưa nói đến chống lại. Chính sự giúp sức, cũng có thể là sự vô trách nhiệm của một số người, trong đó có cả những người kinh nghiệm đầy mình về quản lý tài chính, hay những người năng lực quản lý tốt, được đào tạo bài bản đã tiếp sức và hiện thực hóa những mệnh lệnh của bầu Kiên.
Có lẽ bí kíp của bầu Kiên là đã biết dùng sức mạnh của đồng tiền và khả năng thao túng để khống chế và át vía toàn bộ Ban lãnh đạo ACB. Uy quyền tuyệt đối mà bầu Kiên có được khiến ông dám nói với HĐQT ACB rằng: “Hiện tôi không tham gia gì trong Hội đồng quản trị, tôi nói nhăng, nói cuội gì các anh nghe hay không thì tùy, nhưng tôi có quyền cách chức các anh”, hoặc “Vai trò tư vấn của tôi, thành viên Hội đồng Sáng lập đã được quy định trong quy chế của Hội đồng Sáng lập, tôi nói muốn nghe thì nghe, không nghe thì thôi, nhưng với tư cách cổ đông lớn, tôi có quyền triệu tập đại hội cổ đông bất thường, cách chức các anh ra khỏi thành viên Hội đồng Quản trị”.
Nhiều người có lẽ sẽ đặt câu hỏi vì những lẫn lộn trong vai trò của cái gọi là Hội đồng sáng lập và Hội đồng quản trị tại ACB. Bầu Kiên thực sự thể hiện bản lĩnh và “năng khiếu” trong việc lách luật và quản lý của Nhà nước. Chuyện có thể bắt đầu từ năm 2008, nhanh chóng đánh hơi được việc pháp luật quy định vị trí Phó Chủ tịch HĐQT không được vay vốn ngược từ chính tổ chức tín dụng, Kiên đã nhanh chóng rút ra khỏi Hội đồng quản trị nhằm hợp pháp hóa việc xoay vòng dòng vốn từ chính nguồn ACB.
Nhưng để duy trì quyền lãnh đạo của mình, Kiên đã nghĩ ra cái gọi là Hội đồng sáng lập. Kỹ càng hơn, trước khi từ nhiệm, Kiên đã yêu cầu chuẩn bị nghị quyết về việc thành lập và phê chuẩn quy chế làm việc của Hội đồng sáng lập. Theo đó, Hội đồng được phép tham dự các cuộc họp của Thường trực HĐQT và Ban lãnh đạo, được cho ý kiến về mọi hoạt động kinh doanh trong toàn ngân hàng, được báo cáo và cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của ACB.
Hội đồng sáng lập là tổ chức không được pháp luật thừa nhận, nhưng tại ACB, Hội đồng này có quyền hạn và chức năng không thua gì HĐQT, và thực ra chỉ là một cái bể khác để Kiên vẫy vùng và thể hiện sự lấn lướt của mình. Dễ thấy sự ảnh hưởng ấy khi dù chỉ là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập, nhưng Nguyễn Đức Kiên lại có quyền chỉ đạo cả vị Chủ tịch, thậm chí cả Chủ tịch và các thành viên Thường trực Hội đồng quản trị khác.
Nguồn: Petrotimes