Bảo vệ trẻ trước những trò chơi trên mạng xã hội
Nhiều năm trở lại đây các trò chơi trên không gian mạng trở thành trào lưu của thế hệ trẻ và có không ít những trò chơi để lại hậu quả đáng tiếc.
Trò chơi lan truyền trên Internet có tên "Thử thách Cá voi xanh" đang gieo rắc kinh hoàng cho nhiều gia đình học sinh ở Nga, châu Âu, châu Mỹ… hơn 2 năm qua. Cấp độ cao nhất của trò chơi này dành cho người chiến thắng là "tự sát".
Từ nước Nga, trò chơi nguy hiểm mang tên "Thử thách Cá voi xanh" đã lan rộng sang vùng Trung Á, châu Âu và châu Mỹ. Nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha… đã đưa ra lời cảnh báo các bậc cha mẹ về sự nguy hiểm cho con em mình từ trò chơi "Thử thách Cá voi xanh".
Tại Việt Nam cũng ghi nhận học sinh tham gia trò chơi này nhất là học sinh bậc THCS. Thậm chí còn có thông tin có học sinh đã cắt tay tạo hình cá voi xanh như hướng dẫn của trò chơi trên Internet.
Trẻ dễ ảnh hưởng bởi các thói quen trên mạng. |
Cháu bé được xác định đã tử vong trước khi gia đình đưa đi cấp cứu. Cụ thể, bé đã xem và làm theo video hướng dẫn của trò chơi thắt cổ nhưng vẫn thở được trên mạng xã hội. Năm 2020, một bé trai (8 tuổi, ngụ tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) ngồi xem tivi tại phòng khách cùng gia đình, sau đó bé vào nhà vệ sinh để đi tắm.
Tuy nhiên, sau 30 phút nhưng chưa thấy bé ra ngoài, gia đình phá cửa xông vào thì phát hiện bé trong tình trạng dùng áo đang mặc để treo cơ thể lơ lửng sát tường, cổ áo móc trên móc treo quần áo trong nhà vệ sinh.
Trào lưu thử thách Momo có nội dung độc hại, thậm chí hướng dẫn trẻ em tự sát. Nhân vật Momo, được miêu tả là một phụ nữ có hình dạng quái dị với đầu người, mình gà, tóc đen và mắt lồi. Nhân vật bí ẩn này đã điều khiển trẻ em tham gia vào các trò chơi, thử thách đáng sợ.
Đỉnh điểm nguy hại từ trò chơi kì dị này là những đứa trẻ tham gia một cách bị động, sẽ tự làm tổn thương bản thân và kết thúc bằng việc tự sát.
Đáng lo ngại, Momo hoàn toàn có thể xuất hiện trên các ứng dụng Youtube kids trong các video hoạt hình mà trẻ em thường xem.
Chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi, Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho rằng các trào lưu gầy đây như “Thử thách Cá voi xanh” (Blue Whale Challenge) hay “Thử thách Momo” (Momo Challenge) là hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm cận kề của một thực trạng không xa lạ với chúng ta.
Hiện có nhiều nội dung độc hại trên mạng xã hội không được kiểm soát chặt chẽ đang âm thầm tiếp cận trẻ nhỏ. Nếu người lớn không quan tâm hoặc kiểm soát thì trẻ rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực đó đặc biệt là những trẻ em có biểu hiện thu mình hay có diễn biến tâm lý phức tạp, cô đơn hay có các sở thích khác thường…
Chuyên gia này cho rằng cha mẹ cần trang bị cho con “hệ miễn dịch” thật tốt bảo vệ khỏi những tác hại tiêu cực của mạng xã hội.
Hàng ngày, những mối quan hệ tích cực, hỗ trợ từ gia đình và xã hội đóng vai trò quan trọng bảo vệ trẻ. Sự gắn kết vững chắc giữa ba mẹ và con cái tạo cảm giác an toàn và là tiền đề giúp trẻ phát triển nhận thức về giá trị bản thân. Hạn chế cho trẻ xem các thiết bị điện tử.
Bên cạnh đó, việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với nhà trường, bạn bè góp phần củng cố nguồn lực bên ngoài và sự tự tin bên trong của trẻ. Ngoài ra, ba mẹ và thầy cô có thể hỗ trợ trẻ trong việc giáo dục các kĩ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng đưa ra quyết định và thích ứng với môi trường nhằm phòng ngừa và ứng phó với những tình huống khó khăn.
Một chế độ sinh hoạt hợp lý, sự cân bằng giữa thể chất và tinh thần có thể giúp trẻ có những trải nghiệm sống lành mạnh và cái nhìn tích cực với bản thân cũng như những người xung quanh.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu sử dụng internet, mạng xã hội là tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa. Vì vậy, để bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì vai trò của gia đình vô cùng quan trọng. Không ai khác, gia đình chính là lá chắn giúp bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng một cách hiệu quả nhất.
K.Chi