Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, cần xóa bỏ các lối đi tự mở
Tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt và nhiều lối đi tự mở với nguy hiểm thường xuyên rình rập vẫn còn hiện hữu đang là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới nhiều vụ việc tai nạn nguy hiểm.
Lối đi tự mở là đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt do tổ chức, cá nhân tự xây dựng và khai thác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Mặc dù Luật Đường sắt năm 2017 và các văn bản dưới Luật đã quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó có việc quản lý, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở nhưng trong thời gian qua, hành lang an toàn giao thông đường sắt vẫn bị lấn chiếm.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông đường sắt là do người dân vi phạm hành lang đường sắt xảy ra tại các lối mở tự phát qua đường sắt, trong khi hạ tầng giao thông đường sắt chưa đồng bộ, ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt. Các vi phạm thường thấy tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt như: vượt gác chắn, qua đường ngang không quan sát, không chấp hành hiệu lệnh của người cảnh giới…
Các lối đi tự mở băng qua đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. (Ảnh minh họa) |
6 tháng đầu năm 2021, các địa phương trong cả nước đã rào đóng, xóa bỏ 27 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm trên các tuyến đường sắt. Tính từ năm 2020 đến nay, cả nước đã có tổng số gần 180 vị trí nguy hiểm qua đường sắt được các địa phương rào đóng, xóa bỏ, góp phần đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông.
Theo Cổng thông tin điện tử Cục CSGT, ghi nhận tại đường sắt ở đường Lương Văn Can, phường An Cựu, thành phố Huế, tại Km 690+ 380 trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, người dân thường xuyên băng qua đường sắt bằng lối đi tự mở.
Do có độ dốc cao, lượng người và phương tiện qua lại thường xuyên rất lớn, nhà dân 2 bên lại ở san sát, cơi nới nhiều vật dụng kiến trúc khiến tầm nhìn của những người đi qua lối này bị che chắn và hạn chế. Từ những bất cập trên đã khiến đây trở thành một trong những lối đi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt.
Một người dân sống gần lối đi tự mở này cho hay: “Tôi ở đây mấy chục năm rồi, thấy lối đi này quá nguy hiểm, người lưu thông quá đông mà lại có nhiều yếu tố mất an toàn. Tôi từng chứng kiến nhiều lần người đi qua gặp nguy hiểm, tàu đến nhưng không kịp phát hiện để dừng lại, tôi và nhiều người phải chặn lại. Hơn một năm trước, ở đây từng xảy ra một vụ tai nạn do cô gái đi qua mà thiếu quan sát bị tàu tông tử vong”.
Theo thống kê của ngành đường sắt, tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 101,2 km. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế 65 đường ngang và 91 lối đi tự mở. Trong đó, có 28 đường ngang có gác chắn, số còn lại đều được trang bị hệ thống cảnh báo tự động hoặc phòng vệ bằng biển báo.
Sau khi được đầu tư hệ thống cảnh báo, những đường ngang trên địa bàn đã giảm thiểu nguy cơ mất an toàn. Riêng những lối đi tự mở, do còn thiếu hệ thống cảnh báo nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông khi có tàu đến là rất cao. Bên cạnh đó, việc người tham gia giao thông thiếu ý thức chấp hành pháp luật, không chú ý quan sát hoặc cố tình băng qua đường sắt khi đã có tín hiệu cảnh báo xảy ra khá phổ biến và tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt còn tồn tại đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt.
Từ đầu năm 2021 đến nay, trên tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông và sự cố về an toàn giao thông đường sắt, làm chết 5 người và 5 người khác bị thương. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt chủ yếu là do nạn nhân băng qua đường sắt thiếu chú ý quan sát và tai nạn giao thông đường sắt xảy ra chủ yếu tại các lối đi tự mở.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý 833 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, tiến hành xử phạt trên 223 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt thực sự đạt hiệu quả, tai nạn giao thông đường sắt được đẩy lùi thì ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông vẫn đóng vai trò quyết định.
PV