Bản tin ra khơi ngày 23/10: Cảnh sát biển kiểm tra liên hợp nghề cá
Tàu cảnh sát biển Việt Nam lên đường kiểm tra liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ lần thứ 2
![]() |
Sáng 22/10, tại Quân cảng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, biên đội tàu CSB 8003, 8004 (Hải đoàn 11) đã xuất phát đưa đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam do đại tá Trần Văn Thơ, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BTL Vùng CSB 1 làm trưởng đoàn thực hiện chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 2 năm 2018.
Đây là chuyến kiểm tra lần thứ 16, được thực hiện từ ngày 22 đến ngày 28/10, là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa các nội dung theo tinh thần Bản ghi nhớ chung đã được ký kết giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước.

Dự kiến, lực lượng hai bên sẽ phối hợp kiểm tra 11 điểm trong khu vực đánh cá chung trên đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Trong khuôn khổ chuyến tuần tra, lực lượng CSB hai nước phối hợp tổ chức một số hoạt động: Lực lượng Cảnh sát biển hai nước tổ chức hội đàm thống nhất phương án, nội dung, kế hoạch của chuyến kiểm tra liên hợp; thực hiện nghi thức chào xã giao trên biển cũng như tiến hành kiểm tra, giám sát tàu thuyền của ngư dân khai thác thủy hải sản, duy trì trật tự trong khu vực đánh bắt chung; tuyên truyền về quy chế hoạt động, ứng xử trên biển, phối hợp luyện tập tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền của nhân dân hai nước gặp sự cố trong vùng đánh cá chung. Đặc biệt trong đợt tuần tra lần này lực lượng Cảnh sát biển hai bên sẽ tiến hành thả hơn 50.000 con cá giống tại điểm tuần tra thứ nhất, giáp khu vực đảo Bạch Long Vĩ.
Theo Đại tá Trần Văn Thơ, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, hoạt động này được duy trì thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp trong thực hiện Thỏa thuận về Quy chế kiểm tra liên hợp giữa lực lượng Cảnh sát biển hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Qua đó, tiếp tục giữ gìn, phát triển mối quan hệ đoàn kết và xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, sự hiểu biết lẫn nhau, cũng như tạo bầu không khí thân thiện, cởi mở trong mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa lực lượng Cảnh sát biển và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
EU giảm nhập khẩu thăn/philê cá ngừ vây vàng
Theo số liệu thống kê của Eurostat, sau khi NK thăn/philê cá ngừ vây vàng hấp chín đông lạnh NK vào EU trong năm 2017 tăng đột biến, khối lượng NK dòng sản phẩm này trong nửa đầu năm 2018 giảm 11%. Tổng khối lượng NK dòng sản phẩm này từ bên trong và ngoài khối EU hiện tại đạt 32.903 tấn, giảm nhẹ so với mức 37.000 tấn của năm 2017.
Các nhà chế biến chính ở Đông Thái Bình Dương là Guatemala và El Salvador cũng đã sụt giảm về khối lượng so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của Guatemala đã giảm 58%, giảm từ mức 3.549 tấn năm 2017 xuống còn 1.476 tấn năm 2018. Thị phần của El Salvador giảm 29%, giảm từ 1.089 tấn xuống còn 775 tấn.
Ecuador, Guatemala, và El Salvador là các thành viên của Ủy ban Cá ngừ Nhiệt Đới Bắc Nam Mỹ (IATTC). IATTC đã ghi nhận xu hướng sụt giảm về sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng và các loài cá ngừ khác trong năm qua.
Trong khi đó, Mauritius, nước XK thăn/philê cá ngừ vây vàng đông lạnh lớn thứ 2, cũng giảm 19%, giảm từ 5.619 tấn năm 2017 xuống còn 4.566 tấn trong năm nay. Mauritius phải chịu thiệt hại do tổng sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng Ấn Độ Dương gần đây giảm 15% vì nỗ lực khôi phục vùng biển đã bị lạm thác. Giá cá ngừ vây vàng Ấn Độ Dương đã tăng lên sau khi các đội tàu lưới vây giảm hoạt động khai thác của mình theo hạn ngạch khai thác cá ngừ vây vàng hàng năm. Giá cá ngừ vây vàng Ấn Độ Dương gần đây đã tăng lên mức 2.300 EUR/tấn (2.700 USD/tấn), tăng hơn 300 EUR so với giá trong tháng 5/2018.
Mặc dù các nhà khai thác đã có hạn ngạch khai thác riêng cho năm 2018, nhưng một số công ty đã đạt mức hạn ngạch của mình chỉ trong nửa đầu năm nay.
Cơ quan Nghề cá của Ủy ban Cá ngừ Ấn Độ Dương (IOTC) xác nhận rằng nghị quyết bắt buộc này có thể thực sự ảnh hưởng đến tổng sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng nhưng nó đang làm các đội tàu lo ngại về vấn đề giám sát việc thực hiện nghị quyết này.
Cơ quan này cũng cho biết nghị quyết này sẽ được thực hiện cho đến khi việc ước lượng và đánh giá nguồn lợi cá ngừ vây vàng khác tại Ấn Độ Dương được thực hiện.
Không giống như việc cung cấpthăn/philê cá ngừ vằn hấp chín cho EU, các nhà chế biến Trung Quốc không đóng vai trò quan trọng trong phân khúc thị trường cá ngừ vây vàng cho đến nay.