Bác sĩ khuyến cáo tránh xa khói thuốc lá, thuốc lào ngăn tái phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Để phòng tránh tái phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, người dân nên tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá, thuốc lào…
Bác sĩ khuyến cáo phòng tránh tái phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính |
Thời tiết thay đổi lượng bệnh nhân bị bệnh hô hấp phải nhập viện điều trị nội trú tăng cao, trong đó những bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chiếm số lượng đáng kể.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không có phản ứng hồi phục hoặc chỉ là hồi phục một phần, sự cản trở thông khí này thường tiến triển từ từ và kèm với đáp ứng viêm bất thường của phổi gây nên bởi các khí hoặc các chất độc hại.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đang trở thành gánh nặng về bệnh tật trên toàn cầu vì tỉ lệ mắc cũng như tỉ lệ tử vong ngày càng gia tăng kèm theo chi phí điều trị cao và hậu quả gây tàn phế nặng nề của bệnh.
Thạc sỹ Bác sỹ Vũ Thị Hồng, Phó trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do yếu tối ngoại sinh (môi trường độc hại) như: Khói Thuốc lá, thuốc lào; Ô nhiễm môi trường và gia đình; Tiếp xúc khói bụi nghề nghiệp; Nhiễm khuẩn thời niên thiếu; Điều kiện kinh tế xã hội kém. Yếu tố nội sinh (chủ thể) do: Di truyền; Hen phế quản/ tăng đáp ứng đường thở; Tuổi cao…
Bệnh thường gặp ở những người bệnh từ 40 trở lên với các triệu chứng lâm sàng là ho khạc đờm mãn tính, khó thở, đau ngực, có tiền xử tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ (như: khói thuốc, khói bếp, bụi nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường…). Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có nhiều phương pháp để điều trị, phòng ngừa bệnh phát triển một cách hiệu quả như: Sử dụng thuốc (nhằm cải thiện triệu chứng) hoặc phẫu thuật nếu người bệnh dùng thuốc mà không có hiệu quả.
Bác sỹ Hồng khuyến cáo, khi người bệnh thấy có những triệu chứng lâm sàng như đã nêu ở trên, cần đến bệnh viện sớm để được các bác sỹ thăm khám và làm các xét nghiệm, cận lâm sàng cần thiết... sớm tìm ra đúng nguyên nhân bệnh, có phương pháp điều trị đúng và đạt hiệu quả cao. Để phòng tránh tái phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, người dân nên tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá, thuốc lào, khói bụi, hóa chất, khói bếp và khói của nhiên liệu đốt…Thực hiện tốt các biện pháp tập phục hồi chức năng hô hấp như: tập thở, tham gia các hoạt động phù hợp; Tiêm vacxin phòng cúm, phòng phế cầu…
H. Anh