Bạc Liêu: Huyện Đông Hải phát triển trọng tâm kinh tế biển
Trong năm 2020 - 2021, Đông Hải là huyện trọng điểm về kinh tế biển của tỉnh Bạc Liêu nhìn từ giải pháp phát triển đoàn tàu có công suất lớn, nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt.
Với định hướng là cảng biển ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ về kinh tế - vận tại biển hàng hải mà còn cả ý nghĩa về an toàn - an ninh tại Biển Đông, cảng biển nước sâu Gành Hào - Bạc Liêu là đầu tàu thu hút phát triển kinh tế của Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
Chính phủ đã phê duyệt phát triển cảng biển nước sâu hỗn hợp Gành Hào - Đông Hải rộng 3.5ha - cách đất liền 17-18km, có thể đón tàu trọng tải từ 30,000 DWT - 100,000 DWT theo Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/06/2014 và Quyết định số 77/QĐ-TTg ngày 13/01/2020 về “Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Huyện Đông Hải có ngư trường rộng, với chiều dài bờ biển hơn 23km, gồm hai cửa sông lớn Gành Hào và Cái Cùng thông ra biển và một cảng biển, là địa phương có tiềm năng lớn về khai thác, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối cùng với hệ sinh thái rừng ngập mặn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái ven biển; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển và vùng ven biển của cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng.
Để giúp huyện Đông Hải phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và tạo nên những bước đột phá mới cho phát triển kinh tế biển, Ban Chấp hành Tỉnh ủy (khóa XV) đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển. Đây là điều kiện để huyện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng huyện trở thành trọng điểm về kinh tế biển.
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa nghị quyết bằng Chương trình số 25-CTr/HU và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bước đầu đạt được những kết quả phấn khởi.
Phát triển nghề nuôi tôm tại Đông Hải. |
Ông Nguyễn Trọng Hán – Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, thời gian qua huyện đã tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, nhằm từng bước xây dựng huyện trở thành vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng và phát triển 4 xã, thị trấn, gồm thị trấn Gành Hào, xã Long Điền Tây, Điền Hải và Long Điền Đông trở thành khu kinh tế biển, là vùng động lực phát triển kinh tế của huyện.
Bên cạnh đó, huyện phát triển mạnh các ngành kinh tế biển và ven biển theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, chú trọng các ngành nghề là thế mạnh của huyện như: khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, sản xuất muối. Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, y tế, văn hóa… phục vụ sản xuất, phát triển du lịch, đời sống của nhân dân. Huyện đặc biệt đã chú trọng phát triển ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản, đồng thời từng bước hình thành đội tàu có công suất lớn đủ khả năng đánh bắt xa bờ, dài ngày trên biển cho sản lượng hàng năm tăng lên đáng kể, đời sống ngư dân không ngừng cải thiện và nâng lên.
Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy không chỉ là “cú hích” cho huyện Đông Hải mà còn tạo chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó, thể hiện rõ nét ở hoạt động chính: Nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, du lịch và dịch vụ cảng cá. Ông Nguyễn Văn Hòa, ấp 1, thị trấn Gành Hào huyện Đông Hải không giấu niềm vui mừng sau chuyến tàu thành công ngoài mong đợi. Trừ các chi phí, tiền thuê nhân công, lao động, thu nhập của gia đình còn vài trăm triệu đồng. Số tiền này ngoài trang trải cho sinh hoạt của gia đình, ông còn để dành nâng cấp, sửa chữa tàu, chuẩn bị cho chuyến đi mới.
Hiện nay, UBND huyện Đông Hải nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông xung quanh khu vực Cảng cá Gành Hào với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng đạt quy mô cảng cá loại I, phát triển mạnh các dịch vụ hậu cần và các ngành nghề phục vụ cho khai thác, đánh bắt xa bờ như: phát triển cơ sở đóng tàu, sửa chữa tàu thuyền; xây dựng các trạm xăng, nhà máy nước đá, cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ… Đồng thời mở thêm đại lý thu mua nguyên liệu thủy sản cho ngư dân và đào tạo lao động nghề biển.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình khai thác, đánh bắt gặp khó khăn do trữ lượng cá sụt giảm; giá sản phẩm khai thác biến động giảm do ảnh hưởng dịch Covid – 19.
Mặc khác, ngư dân chậm chuyển đổi ngành nghề nên hiệu quả khai thác chưa cao. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả nghề khai thác, cần phải tổ chức lại sản xuất; áp dụng kỹ thuật mới; phát huy tối đa mô hình liên doanh, liên kết trong khai thác; phát triển các mô hình dịch vụ hậu cần trên biển phù.
Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi vốn để đầu tư, phát triển đội tàu có công suất lớn, bằng vật liệu mới như vỏ thép, vỏ composite thay thế vỏ gỗ.
Trong nhiệm kỳ tới, để tạo nên bước đột phá cho kinh tế biển, huyện rất mong lãnh đạo cấp trên, có sự quan tâm đặc biệt, với chính sách ưu tiên cho huyện trong đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng; mời gọi đầu tư vào lĩnh vực hậu cần, để phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết 06.
Kim Chi