Bà Hứa Thị Phấn có nghĩa vụ trả khoản vay 500 tỷ đồng cho OceanBank?
Khoản vay này được Trung Dung vay nhằm hỗ trợ thanh khoản cho Ngân hàng Đại Tín. Ngoài phần tài sản đảm bảo là giá trị vốn góp 250 tỷ đồng tại Công ty Trung Dung, ông Phạm Công Danh được bà Hứa Thị Phấn đồng ý cho mượn tài sản đảm bảo để thực hiện khoản vay này gồm 6 bất động sản, cổ phiếu tại Tập đoàn SSG.
Chủ tịch OceanBank khi đó là Hà Văn Thắm đã đề nghị phong tỏa khoản vay này tại Ngân hàng Đại Tín, sau này là Ngân hàng Xây Dựng. Tuy nhiên NH Đại Tín đã phá vỡ cam kết 3 bên dẫn đến việc khoản vay này không được sử dụng đúng mục đích. Cho đến nay, OceanBank vẫn chưa thu hồi được số tiền gốc và lãi từ hợp đồng tín dụng này.
Theo Luật sư Phan Trung Hoài, luật sư bào chữa cho ông Phạm Công Danh, có đủ cơ sở để thu hồi tài sản của bà Hứa Thị Phấn để khắc phục số tiền 500 tỷ đồng này. Do vậy, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX truy nguyên đường đi của dòng tiền, xác định xem ai là người sử dụng cuối cùng nhằm tất toán hợp đồng tín dụng 500 tỷ đồng, đồng thời bà Hứa Thị Phấn phải có trách nhiệm trực tiếp đối với khoản tiền 500 tỷ đồng gốc và khoản lãi phát sinh theo yêu cầu của Viện KSND Thảnh phố Hà Nội.
![]() |
Luật sư Phan Trung Hoài (áo vest), luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh. |
Luật sư Phan Trung Hoài cũng yêu cầu tiếp tục kê biên tài sản của bà Hứa Thị Phấn đối với 6 bất động sản, đồng thời tiếp tục xử lý giải quyết các hậu quả phát sinh về việc ông Phạm Công Danh đã bàn giao cho bà Phấn 3.546 tỷ đồng, là số tiền ông Danh mua cổ phần NH Đại Tín.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra dựa trên kết luận thẩm định giá của Công ty TNHH Thẩm định giá và Đại lý thuế Việt Nam. Công ty này đã có chứng thư thẩm định giá số 211 đánh giá các tài sản đảm bảo là phần góp vốn của Công ty Trung Dung không đủ cơ sở để đảm bảo cho vay. Các tài sản đảm bảo là quyền phát sinh trong hợp đồng góp vốn cũng như chưa đảm bảo tính pháp lý.
Dựa vào cơ sở mấu chốt dẫn đến quy buộc hậu quả hành vi để thẩm định việc cho vay, đó là lấy giá trị khoản tín dụng 500 tỷ đồng trừ đi phần liên quan của thẩm định giá, tổng cộng là 136 tỷ đồng. Như vậy, khoản vay của công ty Trung Dung được xác định là thiệt hại 344 tỷ đồng.
![]() |
Ông Phạm Công Danh (áo sáng màu) bị VKS đề nghị từ 16-17 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của TCTD" theo khoản 3 Điều 179 BLHS. |
Tuy nhiên, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX xem xét tính pháp lý về thủ tục thực hiện của Công ty Thẩm định giá và Đại lý thuế Việt Nam. Công ty này được xác định là cơ quan giám định thẩm định giá để xác định thiệt hại, nhưng công ty này vừa thực hiện nhiệm vụ giám định, lại vừa định giá tài sản, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 60 của Luật Tố tụng hình sự quy định về giám định; khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp quy định những người có kiến thức, phương tiện, phương pháp, nghiệp vụ chuyên môn theo yêu cầu của quá trình điều tra.
Luật sư Phan Trung Hoài cho rằng mục đích của việc thẩm định giá chỉ là phục vụ xử lý nợ, đồng thời trả lời kết quả giám định. Chứng thư trả lời giám định không phải là kết quả giám định theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Tố tụng hình sự 2013. Chứng thư thẩm định giá không đảm bảo nguyên tắc theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Giám định tư pháp 2012 đó là trung thực, chính xác, khách quan, vô tư và kịp thời. Vì công ty này ký hợp đồng thẩm định giá với OceanBank theo HĐ số 3112 ngày 30/12/2015.
“Một cơ quan xác định hậu quả của một hành vi liên quan đến vi phạm về cho vay nhưng lại ký hợp đồng và nhận thù lao với OceanBank và trở thành cơ quan giám định theo yêu cầu của cơ quan CSĐT”, luật sư Phan Trung Hoài nói.