77 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9: Những bài học còn mãi

Những ngày tháng Tám lịch sử của 77 năm về trước thực sự đưa đất nước bước sang một trang mới.

Cách mạng tháng Tám thành công đưa Việt Nam bước lên vũ đài chính trị thế giới, xây dựng nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, do một lực lượng cách mạng vô cùng non trẻ lãnh đạo – lực lượng Việt Minh.

20 ngày cách mạng rung chuyển đất nước

Nhìn lại bối cảnh lịch sử năm 1945, các sử gia đều cho rằng bài học chớp thời cơ và huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chính là một trong những đỉnh cao về nghệ thuật làm cách mạng, giành và giữ chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lực lượng Việt Minh.

Ngay từ tháng 3/1945, khi “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra thời cơ của cách mạng giành chính quyền sắp nổ ra. Để rồi khi quân Nhật đầu hàng quân đồng minh (15/8/1945 và ký Hiệp ước đầu hàng vào 2/9/1945), ngay lập tức Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhưng đồng chí của mình đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thực tế, nếu không tìm hiểu kĩ lịch sử thì nhiều người chỉ biết Việt Minh giành chính quyền từ tay Nhật, nhưng thực ra khi ấy ở Việt Nam có khá nhiều lực lượng chính trị và quân sự; thù trong giặc ngoài và lực lượng Việt Minh – lực lượng cách mạng đại diện cho giai cấp công nông và những người Việt Nam yêu nước khát vọng giành độc lập chỉ là một lực lượng cách mạng non trẻ chưa có được chỗ đứng.

Nếu hồi tháng 5/1941, các lực lượng ái quốc, trong đó nòng cốt là Đảng Cộng sản Đông Dương, do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo vẫn còn đang phải nương náu gần biên giới Việt–Trung, tham gia một tổ chức đứng về phía Đồng Minh giành độc lập cho Việt Nam (với tên gọi Việt Nam Độc lập Đồng minh, thường được gọi tắt là Việt Minh). Nhưng với lực lượng ấy, chỉ vài tháng sau đã làm nên cuộc cách mạng thành công nhờ nắm bắt được thời cơ lịch sử.

Cụ thể, khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện (15/8/1945), quân Nhật tại Việt Nam dao động nhưng không tan rã, họ vẫn còn nguyên khí giới và lực lượng phòng thủ rất mạnh. Tuy nhiên, trước sức ép của các lực lượng cách mạng trong nước quân Nhật đã phải chấp nhận bàn giao chính quyền. Trong số các lực lượng chính trị trong nước như: Chính phủ Trần Trọng Kim, Chính quyền Bảo Đại, các đảng phái như: Việt Quốc, Việt Cách, Quốc dân Đảng… và Việt Minh.

Tuy nhiên, trong các lực lượng chính trị ấy chỉ có duy nhất Việt Minh được lòng dân chúng và cũng chỉ có lực lượng Việt Minh với động cơ trong sáng và mục tiêu kiên định “dù cho có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập” đã có những bước đi táo bạo. Bởi, ngay sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng thì ngày 17/8/1945, Thủ tướng Pháp - De Gaulle tuyên bố quân Pháp sẽ quay lại Đông Dương. Lúc này, Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng thực sự là chảo lửa khi các thế lực ngoại xâm, nội phản đều nhăm nhe cướp chính quyền.

Chính vì vậy, ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định rằng, điều kiện cho Tổng khởi nghĩa đã chín muồi và chuẩn bị lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa. Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc nhanh chóng được thành lập và các lực lượng cần chủ động trước tình hình mới. Do đó, ngày 16/8, dù chưa nhận được lệnh khởi nghĩa nhưng căn cứ vào tình hình nhiều Đảng viên tại các địa phương đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa ở Thanh Hóa, Thái Bình… Ngày 17/8/1945, một đơn vị Giải phóng quân của Việt Minh do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào kéo về bao vây, tấn công quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên.

Tại Hà Nội, ngày 17/8/1945 đã có 20 vạn người biểu tình chống Pháp ở Hà Nội. Ty nhiên, lúc này cán bộ Việt Minh ở thủ đô chưa về kịp nên chưa cướp được chính quyền. Nhưng cũng chỉ 2 ngày sau, ngày 19/8/1945 tranh thủ lễ bàn giao quyền lực giữa quyền Thống đốc Nam Kỳ người Nhật và quyền Khâm sai Nam Kỳ người Việt. Chỉ với 5.000 đảng viên cùng quần chúng nhân dân, lực lượng Việt Minh đã nhanh chóng giành được chính quyền tại Hà Nội (chiếm phủ Khâm sai, dinh khâm sai, tòa thị chính và kiểm soát các trại lính). Sau đó chính quyền cách mạng cũng nhanh chóng được lực lượng Việt Minh thiết lập tại Huế (23/8), Sài Gòn (25/8)…

Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhanh chóng được thành lập; các Bộ ngành trực thuộc Chính phủ được ban bố (với 15 Bộ, trong đó 13 Bộ có tên và 2 Bộ không tên). Ngày 29/8/1945, Chính phủ cách mạng ra lệnh cấm mua bán vàng bạc. Ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại chính thức thoái vị và tham gia làm cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập ở Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ảnh: Nam Phương

Cội nguồn sức mạnh dân tộc

Nếu Cách mạng tháng Tám thành công được coi là bước tiến vĩ đại của dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì quá trình cải tổ và hoàn thiện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (từ tháng 8/1945 đến tháng 11/1946) cũng được coi là nghệ thuật chính trị tuyệt vời mang phong cách Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng nhuần nhuyễn bài học giành và giữ chính quyền về tay công nông qua kinh nghiệm của nước Nga Xô viết cũng như các lực lượng cộng sản trên toàn thế giới.

Đơn cử, trong 15 thành viên Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (thành lập ngày 28/8/1945, ra mắt quốc dân đồng bào đúng dịp Quốc khánh 2/9/1945) chỉ có 7/15 thành viên thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương; 9 thành viên còn lại gồm: 4 thuộc Đảng Dân chủ; 4 thành viên không thuộc đảng phái nào. Ngoài ra, các lực lượng chính trị cũ cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ cách mạng với những vai trò khác nhau như vua Bảo Đại (cố vấn)…

Ảnh: Nam Phương

Nói thêm về nghệ thuật giữ chính quyền trong bối cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” năm 1945 khi ấy, bối cảnh mà Pháp âm mưu quay trở lại Đông Dương, quân Tàu Tưởng vẫn còn ở Việt Nam, các thế lực chính trị khác âm mưu bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ, Chính phủ Cách mạng Lâm thời (làm việc ngay từ 3/9/1945) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã nhanh chóng thống nhất các phương pháp Chủ tịch chính phủ Hồ Chí Minh đề xuất, bắt tay ngay vào chỉ đạo Ủy ban Cách mạng lâm thời các cấp tập trung giải quyết 7 vấn đề cấp bách của đất nước.

Bảy nhiệm vụ cấp bách gồm: Phát động tăng gia sản xuất, mở các cuộc lạc quyên để chống nạn đói; Mở phong trào chống nạn mù chữ; Tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân (thực hiện vào ngày 6/1/1946); Mở phong trào giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, bài trừ các tệ nạn do chế độ thực dân để lại; Xóa bỏ các thứ thuế vô lý, trước mắt là thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tuyệt đối cấm hút thuộc phiện; Tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết.

Có thể thấy rõ, 3 thứ giặc khi ấy là: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm đã được nhận diện và tìm cách “tiêu diệt”. 77 năm nhìn lại, Cách mạng tháng Tám đã diễn ra và giành thắng lợi trong một thời gian ngắn, nhưng những bài học (nắm bắt thời cơ; xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại) để lại cho Đảng và Nhân dân vẫn còn sống mãi.

Ảnh: Nam Phương

Ví dụ bài học về nắm bắt thời cơ, trong bối cảnh phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, tại Đông Nam Á chỉ có 2 quốc gia giành được chính quyền là Việt Nam và Indonesia, nhưng chính quyền của giai cấp công nông làm chủ thì chỉ có Việt Nam. Hoặc bài học về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân: Thắng lợi của Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 là một minh chứng hùng hồn trong thực tiễn, khẳng định vai trò và sức mạnh đại đoàn kết; trong đó các hình thức Mặt trận (từ Mặt trận Việt Minh tới Mặt trận Tổ quốc ngày nay) được coi là sự sáng tạo tài tình của Đảng trong tập hợp lực lượng.

Cuối cùng là bài học về phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, khi Đảng đã quy tụ được nhân dân cùng tham gia cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nắm vững thời và thế, phát huy sức mạnh tổng lực của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại đã được Đảng vận dụng linh hoạt để đưa đất nước tiến lên, đổi mới và hội nhập. Những bài học này càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số đất nước, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao trong tương lai.

Nam Phương

Hà Nội có nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”

Nhiều hoạt động được TP Hà Nội triển khai nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (18/12/1972 – 18/12/2022)

Việt Nam - Hàn Quốc chính thức nâng cấp quan hệ lên 'Đối tác Chiến lược Toàn diện'

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Seoul, hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hàn Quốc đã đồng thuận nâng cấp quan hệ song phương lên 'Đối tác Chiến lược Toàn diện'.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Hàn Quốc nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc nhân kỷ niệm 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Việt Nam – Hàn Quốc hướng tới nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện

Việt Nam – Hàn Quốc đang hướng tới nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022 nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Việt Nam – Campuchia tiến tới mục tiêu thương mại song phương đạt 10 tỉ USD

Hai Thủ tướng Việt Nam – Campuchia nhấn mạnh hai nước sẽ tiến tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỉ USD vào cuối năm nay.

Thành lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội Campuchia, Lào, Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Lào, Việt Nam đã ký tuyên bố chung lần đầu tiên thành lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước CLV vào ngày 20/11.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp các lãnh đạo cấp cao Campuchia

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao Campuchia và thảo luận về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Áo

Hội thảo kỷ niệm Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ giữa Áo và Việt Nam được tổ chức tại Áo với sự tham gia của Đại sứ Việt Nam Nguyễn Trung Kiên.

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Bằng hoài bão cứu nước cứu dân mãnh liệt, bản lĩnh và sự mẫn cảm chính trị ở tuổi 21 của một tầm nhìn xa, cách đây 110 năm, ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước.

Timor-Leste sắp trở thành thành viên thứ 11 của ASEAN

Trong tuyên bố chung ngày 11/11/2022, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí về nguyên tắc để kết nạp Timor-Leste vào ASEAN, trở thành thành viên thứ 11 của khối.

Đang cập nhật dữ liệu !