7 người tử vong: Làm sao để biết nốt ban thông thường hay sốt xuất huyết?
Tại các bệnh viện ở TP.HCM ghi nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân phải thở máy, lọc máu...
7 người tử vong
Số mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM vẫn đang có xu hướng gia tăng. Mới đây, thành phố này ghi nhận thêm 1 bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong, nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết là 7 trường hợp tính từ đầu năm đến nay. Trong tuần gần nhất, TP đã có hơn 900 ca sốt xuất huyết...
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận một trường hợp trẻ Tr. D. A. 7 tuổi, nam, cân nặng 38 kg, ngụ ở Vĩnh Lộc B, Bình Chánh. Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bị sốt cao liên tục 1 ngày, co giật toàn thân, tím tái.
Tại đây, ghi nhận trẻ lơ mơ, mê, gồng giật toàn thân, được hỗ trợ hô hấp chống co giật, truyền thuốc hạ sốt, tình trạng trẻ hết co giật nhưng lơ mơ, hôn mê dần, được đặt nội khí quản giúp thở, thở máy, chống phù não với mannitol 20% và Natri Chlorua 3%.
Xét nghiệm máu cho thấy trẻ có tình trạng cô đặc máu Hct tăng, tiểu cầu giảm, xét nghiệm test nhanh kháng nguyên NS1 chẩn đoán sốt xuất huyết dương tính, chọc dò dịch não tủy cho kết quả sinh hóa, tế bào bình thường.
Chẩn đoán sốt xuất huyết thể não. Đến ngày thứ 4 của bệnh trẻ sốc với mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp, được truyền dịch chống sốc, đo huyết áp xâm lấn và áp lực tĩnh mạch trung tâm để hướng dẫn truyền dịch thích hợp và sử dụng thuốc vận mạch.
Trẻ nguy kịch vì sốt xuất huyết. |
Kết quả các xét nghiệm cho thấy trẻ bị tổn thương gan, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa, hạ đường huyết. Trẻ được điều trị tích cực với thở máy, truyền dịch chống sốc, chống co giật, chống phù não, điều trị hỗ trợ gan như điều chỉnh đường huyết, điện giải, kiềm toan. Sau hơn một tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, được cai máy thở.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết hiện bệnh viện này đang có 60 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị, trong đó có 12 ca nặng. Trong số những ca sốt xuất huyết nặng đang điều trị, có nhiều bệnh nhi bị béo phì.
TS.BS. Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết sốt xuất huyết do do Dengue virus gây ra. Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.
Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Trung gian truyền bệnh là muỗi vằn sinh sống phổ biến ở khu vực khí hậu nóng ẩm trong đó có Việt Nam. Bệnh sốt xuất huyết có thể xuất hiện quanh năm không riêng gì mùa mưa.
Nhận biết chính xác sốt xuất huyết
Khi có người đang bị sốt thì muỗi đốt và đưa virus sang người khác và thời gian ủ bệnh có thể 5 tới 14 ngày.
Sốt xuất huyết thường sốt cao 2 đến 7 ngày, da xung huyết, ửng đỏ, người bệnh thường kèm theo dấu xuất huyết tự nhiên, các chấm này xuất hiện tự nhiên, bạn garo trên cánh tay chứng 5 phút buông ra da sẽ xuất hiện các nốt xuất huyết. Ngoài ra, trẻ còn có xuất huyết chân răng, xuất huyết âm đạo.
BS Tuấn cho biết người sốt xuất huyết ít có triệu chứng về hô hấp hơn so với Covid-19. Khi sốt phát ban, bạn tì đè lên vùng có nốt phát ban nếu dấu chấm này mất màu là ban thông thường. Còn khi tì đè lên vết xuất huyết nhưng vẫn còn đỏ là do xuất huyết. Nên thử ở các vùng mặt trước cánh tay, cẳng tay, trước ngực, bụng để đánh giá rõ xuất huyết hay ban thường.
Còn bệnh Covid-19, bác sĩ Tuấn khuyến cáo triệu chứng thiên về hô hấp nhiều hơn như ho, đau họng, khó thở, mất vị giác, khứu giác.
Với sốt xuất huyết bạn làm xét nghiệm kháng nguyên, Covid-19 thì có thể test nhanh xem có phải nhiễm Covid-19 hay không để phân biệt hai bệnh.
Phụ huynh cần theo dõi theo thời gian vì sốt xuất huyết hay gây sốc, bệnh nhân đau bụng, nôn ói, xuất huyết niêm mạc… có thể biến chứng suy gan, bệnh lý não, thần kinh trung ương, sốc xuất huyết kéo dài.
Còn Covid-19 hay liên quan tới phổi, tắc mạch ở giai đoạn sau. Tốt nhất, phụ huynh cần theo dõi kỹ dấu hiệu từ đầu.
Theo bác sĩ Tuấn, triệu chứng sốt xuất huyết của người lớn và trẻ em đều sốt cao, chán ăn, đau nhức mình mẩy và có chấm xuất huyết trên người.
Tuy nhiên, trẻ con biến chứng nặng thường sốc nhiều do sốc huyết tương gây rối loạn đông máu, suy chức năng gan, suy đa tạng. Biến chứng nặng của người lớn khi mắc sốt xuất huyết như xuất huyết tiêu hóa, rong kinh, người có bệnh nền như tiểu đường, phổi mãn, tim mạch có thể làm bệnh trầm trọng hơn. Nếu không xử trí biến chứng kịp thời nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.
Khánh Chi