Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN – EU: 5 thông điệp của Thủ tướng
Ngày 13/12, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN - EU tại thủ đô Brussels, Bỉ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu với chủ đề "Tăng cường thương mại ASEAN - EU: Phát triển bền vững cho tất cả mọi người".
5 thông điệp của Thủ tướng
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 5 thông điệp, trong đó đầu tiên là Việt Nam coi trọng tinh thần đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác hiệu quả hơn giữa các nước, trong bối cảnh nhiều vấn đề mang tính toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc hay xử lý một mình. "ASEAN và các đối tác chiếm gần một nửa dân số và 2/3 GDP toàn cầu. Trong đó, ASEAN và EU có diện tích tương đối lớn với dân số gần một tỷ người, chúng ta cần đoàn kết, cùng suy nghĩ, hành động và hướng tới tương lai", Thủ tướng nói.
Thứ hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu, một trong những vấn đề tiếp tục thách thức các nền kinh tế vốn đã bị bào mòn bởi dịch bệnh Covid-19, bên cạnh các vấn đề khác như lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng, lương thực... Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương. Nó cũng tác động tới mọi người dân, nên phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, doanh nghiệp phải có nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh, quản lý xanh, nhân lực xanh, trong khi Nhà nước cần thiết lập thể chế phù hợp, hướng tới phát triển kinh tế xanh và bền vững. Các nước phát triển cần giúp đỡ các quốc gia đang phát triển về tài chính, nhân lực, công nghệ, quản trị và thể chế trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ ba, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về quan hệ thương mại giữa EU và ASEAN, Thủ tướng cho rằng các nước phải hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo nền tảng, điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp tiếp tục phát huy năng lực, sáng tạo, trách nhiệm, kết nối mạnh mẽ hơn. Thủ tướng đề nghị các nước tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình này, bằng cách đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do, hiệp định bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần, thông quan hàng hóa nhanh chóng.
Thứ tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiến nghị các doanh nghiệp phải tập trung vào một số lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh mạng. Một xu thế quan trọng hiện nay là phát triển điện gió, điện mặt trời, những nguồn năng lượng không bị mất đi dù có xảy ra chiến tranh hay cạnh tranh chiến lược gay gắt.
Việt Nam chào đón các nhà đầu tư EU
Cũng trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, nhất quán quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, "không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải".
"Chúng tôi luôn cởi mở chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư kinh doanh lâu dài và thành công tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời ổn định chính sách lâu dài để các nhà đầu tư nói chung, của EU nói riêng kinh doanh, bảo toàn vốn, có lãi và phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Được biết, theo báo cáo tại hội nghị, trao đổi thương mại hai chiều giữa EU với ASEAN đang chứng kiến những bước tăng trưởng mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền kinh tế ASEAN phục hồi với tốc độ thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 269 tỷ USD (năm 2021), tăng 18,6% so với năm 2020 và tăng 16,7% so với năm 2017.
EU cũng đứng thứ hai về tổng vốn đầu tư trực tiếp vào ASEAN trong năm 2021, đạt khoảng 26,5 tỷ USD, tăng 42,9% so với năm 2020. Những chỉ số này trong năm 2022 được dự báo sẽ tăng gấp 1,5 lần khi Việt Nam và một số nước ASEAN đã mở cửa trở lại nền kinh tế sau Covid-19.
Nam Phương