5 thói quen đơn giản giúp bạn ‘khỏe như voi’
Hệ thống miễn dịch bảo vệ chúng ta khỏi virus và cảm lạnh quanh năm. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể giúp hệ thống miễn dịch làm việc hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch bệnh, thời tiết xấu và sức khỏe suy kiệt theo sự gia tăng của tuổi tác.
Cảm cúm và dịch bệnh liên tục diễn ra, trong khi đó hệ thống miễn dịch là cơ quan bảo vệ tốt nhất chống lại virus trong những điều kiện như vậy. Nhưng có những cách nào để tự tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ bản thân khỏi những căn bệnh không mong muốn?
Nhiều người tin rằng bằng cách ăn một số loại thực phẩm, bạn có thể bảo vệ mình khỏi bất kỳ bệnh nào. Theo quan điểm khoa học, điều này không hoàn toàn đúng.
Theo Sara Stanner, giám đốc khoa học của Quỹ Dinh dưỡng Anh, “không có chất dinh dưỡng, thực phẩm hoặc chất bổ sung nào giúp tăng cường khả năng miễn dịch hoặc ngăn ngừa nhiễm các loại virus truyền nhiễm như Covid-19”.
Tuy nhiên, nhận đủ chất dinh dưỡng và năng lượng thông qua một chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp hệ thống miễn dịch hoạt động ở hiệu suất cao nhất.
Điều này có nghĩa là một số thay đổi lối sống nhất định có thể tăng cường hệ thống miễn dịch, hệ thống này phải tiếp tục chống lại vi khuẩn và virus trong bối cảnh tình hình dịch tễ học ngày càng khó khăn.
Dưới đây là 5 thói quen đơn giản giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ sức khỏe.
Ăn nhiều chất béo lành mạnh hơn
Chất béo không phải là xấu. Một số chất béo rất quan trọng đối với sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy axit béo omega-3 giúp chống lại chứng viêm. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy thêm bằng chứng cho thấy một số chất béo lành mạnh, chẳng hạn như chất béo có trong dầu ô liu, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 hoặc bệnh tim.
Chất béo lành mạnh có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như bơ hoặc cá hồi, dầu ô liu và dầu bơ. Thay vì các sản phẩm từ sữa ít chất béo, hãy chọn các sản phẩm từ sữa đầy đủ chất béo, ăn trứng, các loại hạt, rau và quả mọng.
Ăn nhiều trái cây và rau quả
Trái cây và rau quả rất giàu vitamin, khoáng chất và các hợp chất hóa học có thể giúp ích cho cơ thể của bạn theo nhiều cách. Ví dụ, các chất chống oxy hóa trong các thực phẩm này có thể giúp giảm viêm.
Chất xơ, được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, có thể nuôi các vi khuẩn có lợi trong dạ dày, giúp ngăn chặn các mầm bệnh có hại. Đồng thời, điều quan trọng là phải duy trì sự đa dạng, không tập trung vào một sản phẩm duy nhất.
Các bác sĩ khuyên bạn nên ăn ít nhất năm loại trái cây và rau quả trong chế độ ăn hàng ngày, bao gồm cả trong các bữa ăn chính, chế biến chúng thành món ăn phụ hoặc bữa ăn nhẹ.
Tuy nhiên, chỉ ăn những thực phẩm này cũng không được khuyến khích - chế độ ăn uống phải được giữ cân bằng.
Tập thể dục
Thêm tập thể dục vừa phải vào thói quen hàng ngày của bạn để hỗ trợ hệ thống miễn dịch của bạn. Hoạt động thể chất không chỉ quan trọng để duy trì một thân hình cân đối mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
Trong khi có bằng chứng cho thấy tập thể dục cường độ cao, kéo dài có thể ức chế hệ thống miễn dịch ở một số người. Khoảng nửa giờ tập thể dục vừa phải hàng ngày có thể tăng cường chức năng miễn dịch. Tập thể dục vừa phải là bơi lội, chạy bộ, đạp xe với tốc độ ổn định hoặc đi bộ nhanh.
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ là một trong những thông số quan trọng nhất ảnh hưởng đến trạng thái của cơ thể bạn. Để hoạt động đầy đủ, cần phải đáp ứng nhu cầu ngủ của cơ thể một cách thường xuyên - đối với một người trưởng thành, đây là giấc ngủ từ sáu đến chín giờ mỗi đêm.
Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy ngủ kém có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 164 người trưởng thành khỏe mạnh và kết luận rằng những người ngủ ít hơn 6 giờ mỗi ngày dễ bị cảm lạnh hơn những người ngủ lâu hơn.
Các bác sĩ cũng lưu ý rằng giấc ngủ kém có thể khiến bạn có nguy cơ mắc một số bệnh bao gồm béo phì, bệnh tim mạch vành và tiểu đường, thậm chí rút ngắn tuổi thọ.
Tránh căng thẳng
Theo các chuyên gia, giảm căng thẳng và lo lắng có thể giúp cải thiện khả năng miễn dịch. Các nghiên cứu cho thấy căng thẳng trong thời gian dài có thể tác động tiêu cực đến chức năng miễn dịch và cũng dẫn đến cảm giác kiệt quệ về thể chất, tinh thần và cảm xúc, thường được gọi là kiệt sức.
Bạn nên chú ý chia các công việc có mức độ phức tạp khác nhau thành các phần nhỏ hơn để xem tiến độ. Lập kế hoạch cụ thể cho một ngày cần hài hòa giữa các hoạt động, tránh dồn quá nhiều một việc vào một thời điểm dẫn đến căng thẳng và mệt mỏi.
Như vậy, khả năng của hệ thống miễn dịch phụ thuộc phần lớn vào thói quen và chế độ sinh hoạt hàng ngày của bạn. Hãy áp dụng một chế độ ăn uống, làm việc và sinh hoạt cân bằng, cũng như vận động thường xuyên để tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
Hạ Thảo