Phù chân, không thể đi tiểu buộc phải lọc máu chỉ vì thói quen nghìn người Việt thường làm
TS. BS Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai cho biết vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 26 tuổi (Bắc Kạn) nhập viện trong tình trạng tăng huyết áp, nổi ban đỏ cánh bướm.
Ngoài ra, bệnh nhân còn xuất hiện tình trạng thiếu máu trầm trọng kèm thêm một số dấu hiệu tổn thương thận như phù hai chân, không thể đi tiểu, buồn nôn và nôn.
Bác sĩ điều tra tiền sử bệnh nhân cho thấy, cách đây 3 năm người phụ nữ này được chẩn đoán mắc lupus ban đỏ hệ thống. Liền sau đó, chị lại phát hiện mình bị viêm cầu thận lupus . Bệnh nhân được theo dõi khám định kỳ tại BV Bạch Mai.
Tuy nhiên hơn một năm nay, bệnh nhân không tái khám, tự điều trị tại nhà, tự mua thuốc uống theo đơn cũ của bác sĩ kê. Chỉ khi thấy người mệ mỏi, hoa mắt, chóng mặt, ăn uống kém, nổi ban đỏ, buồn nôn, không đi tiểu được bệnh nhân mới tới bệnh viện thăm khám…
Trước tình trạng bệnh, BS Khánh đã chỉ định xét nghiệm đánh giá tình trạng hoạt động của bệnh lupus ban đỏ và biến chứng của bệnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy có nhiều chỉ số đe doạ tính mạng.
Theo đó, lượng huyết sắc tố của bệnh nhân chỉ còn 1/3 giá trị của người bình thường, chức năng thận suy giảm nghiêm trọng với chỉ số tăng hơn 10 lần so với thông thường.
Bệnh nhân lập tức được chỉ định nhập viện và truyền máu, lọc máu cấp cứu. BS Khánh cho biết trường hợp này, bệnh tiến triển rất nguy hiểm vì người bệnh chủ quan không đi khám và dùng lại đơn thuốc cũ.
Hiện bệnh nhân đang được theo dõi sát sao và điều trị theo phác đồ tại BV Bạch Mai.
Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn, trong đó cơ thể người bệnh bị gây hại bởi các tự kháng thể và phức hợp miễn dịch. Hiện nay, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ nhưng có thể kiểm soát được căn bệnh nếu điều trị đúng cách ngay từ đầu.
Theo TS.BS. Phạm Huy Thông, Phó giám đốc Trung tâm Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống vào điều trị tại Trung tâm luôn chiếm số lượng đông nhất, với hơn 1.000 lượt người bệnh mỗi năm, chiếm gần một nửa tổng số bệnh nhân điều trị nội trú.
Trong đó, tỉ lệ bệnh nhân nữ mắc lupus ban đỏ hệ thống nhiều hơn so với bệnh nhân nam. Trung bình, cứ 10 bệnh nhân mắc bệnh thì có 9 người là nữ. Bệnh thường được gặp ở lứa tuổi cho con bú.
Cho đến nay nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ hệ thống còn chưa được biết rõ. Nhưng phần lớn các nghiên cứu gợi ý rằng có 3 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến quá trình phát sinh bệnh gồm: di truyền, môi trường và hormone giới tính…
Các triệu chứng của lupus ban đỏ hệ thống có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm. Do ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể nên triệu chứng của bệnh hết sức phong phú và đa dạng.
Triệu chứng toàn thân của lupus ban đỏ hệ thống thường không đặc hiệu. Đôi khi bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn. Triệu chứng thực thể của bệnh rất khác nhau tùy từng người bệnh.
Có những bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên là sưng đau khớp. Có những người lại có triệu chứng đầu tiên là ban đỏ ở mặt.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường mơ hồ và giống với nhiều bệnh lý khác cho nên có những người bệnh từ lúc có những triệu chứng đầu tiên cho đến khi bệnh được chẩn đoán xác định có thể mất tới vài năm.
Đáng lưu ý, theo BS Khánh, lupus ban đỏ hệ thống là bệnh có thể gây tổn thương đa mô và cơ quan, mỗi bệnh nhân có một biểu hiện khác nhau nên rất cần đi khám và có sự tham vấn điều trị của bác sĩ.
“Người bệnh tuyệt đối không được tự ý điều trị thuốc nam, thuốc bắc hoặc các biện pháp không phù hợp khác khi chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài việc cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, người bệnh cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt lành mạnh như tích cực tập thể dục, xây dựng chế độ ăn uống giàu vitamin, đầu đủ khoáng chất, hạn chế đường, muối, chất béo, đặc biệt cần sử dụng kem chống nắng với chỉ số chống nắng SPF tối thiểu trên 30+”, BS Văn Khánh nhấn mạnh.
N. Huyền