3 thói quen khiến người trẻ tự 'hủy' trí nhớ của mình
Đến khám tại BV Đại học Y Dược TP.HCM, anh Nguyễn Thành Tú (31 tuổi, ngụ tại Bình Chánh, TP.HCM) cho biết gần đây anh liên tục rơi vào tình trạng nhớ nhớ, quên quên. Nhiều lần ra đường anh không nhớ mình phải đi đâu. Hàng ngày anh cũng hay quên những việc lặt vặt, quên mang điện thoại, ví tiền.
Anh đã sử dụng thêm các thực phẩm chức năng cải thiện trí nhớ nhưng không có tác dụng nhiều. Lo lắng mắc chứng suy giảm trí nhớ nên anh tới bệnh viện khám.
Khi tư vấn cho bệnh nhân, bác sĩ thấy anh Tú làm về IT, thường xuyên thức đêm xem điện thoại cộng với thói quen có hút thuốc lá, uống rượu bia đã ảnh hưởng tới trí nhớ.
BSCK II Phạm Thị Ngọc Quyên – Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cho biết, hàng ngày tại phòng khám bác sĩ cũng gặp nhiều trường hợp người trẻ ở tuổi 30 – 40 đến khám vì thấy mình có hiện tượng nhớ nhớ, quên quên, đôi khi cảm giác như hiện tượng “sương mù não”.
Ở người trẻ nếu bà bầu hoặc bạn đang nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi thì hiện tượng nhớ nhớ, quên quên là do sinh lý, tình trạng này sẽ cải thiện qua 1 năm sau sinh.
Còn hiện tượng thường xuyên lạc đường, quên đường về nhà, quên chìa khóa, quên ví tiền… BS Quyên cho biết đây là do chức năng nhận thức. Chức năng này có lĩnh vực chính như trí nhớ, khả năng tập trung chú ý, khả năng ngôn ngữ, khả năng điều hành, khả năng thị giác không gian, khả năng về hành vi thích ứng để đánh giá suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ.
Khi người trẻ có hiện tượng nhớ nhớ, quên quên, lạc đường lâu lâu một lần có thể do hoạt động sinh lý xáo trộn còn nếu thường xuyên xuất hiện và chính bản thân thấy công việc bị ảnh hưởng, trì trệ... đó là dấu hiệu báo động bệnh lý suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ giai đoạn sớm.
BS Quyên cho biết, khi đi khám bác sĩ không dựa vào một triệu chứng mà có các thang điểm cụ thể cho mỗi bệnh nhân.
3 thói quen xấu ảnh hưởng trí nhớ
Theo bác sĩ Quyên, hàng ngày bạn có nhiều thói quen không tốt ảnh hưởng chức năng nhận thức, suy giảm trí nhớ:
Thứ nhất, hàng ngày do quá bận rộn nên nhiều người chọn ăn thức ăn nhanh. Đây là thực phẩm chứa nhiều chất béo, muối, ăn nhiều thức ăn nhanh dẫn tới tình trạng thừa cân và các bệnh lý huyết áp, tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu sẽ làm suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ do mạch.
Thứ hai, cuộc sống hiện đại áp lực người ta hay có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, đi chơi thâu đêm vào cuối tuần… những thói quen này có thể tác động đến não bộ, chức năng nhận thức và trí nhớ bị ảnh hưởng đầu tiên.
Cơ thể cần thời gian nghỉ ngơi vào ban đêm. Khi cơ thể ngủ thì não được nghỉ ngơi và thông tin lưu trữ tốt. Nếu nghỉ ngơi không đủ não bộ trục trặc và trí nhớ biểu hiện ra đầu tiên.
Thứ ba, dựa dẫm vào công nghệ quá nhiều. Xã hội hiện đại công nghệ thông tin phát triển nên nhiều người lạm dụng công nghệ và tính toán. Những hoạt động như thế làm cho não lệ thuộc vào công nghệ nhiều hơn. Ví dụ như bạn ngại tính toán và dùng máy tính hay khi cần thông tin gì bạn ngại suy nghĩ, lệ thuộc vào tìm kiếm trên mạng làm cho não của mình sẽ ít hoạt động hơn.
Bác sĩ Quyên cho rằng để “nuôi” trí nhớ tốt, cách tốt nhất đó là bạn cần duy trì thói quen ngủ đủ giấc cũng như ăn uống khoa học. Ngoài ra, việc tập luyện từ 5 đến 6 buổi/tuần cũng giúp cho bạn khỏe hơn, trí nhớ được cải thiện tốt hơn.
Các hoạt động dã ngoại, cộng đồng, giao lưu nhiều cũng là cách để bảo vệ trí nhớ tốt. BS Quyên cho rằng bạn có thể sử dụng công nghệ nhưng sử dụng vừa đủ, chọn các trò chơi như chơi cờ, game kích thích suy nghĩ của trí não cũng là cách để bảo toàn trí nhớ của mình.
Khánh Chi