Người sốt xuất huyết: Ăn uống gì nhanh khỏe, món nào phải tránh xa?
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà dự báo, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng trong thời gian tới.
Theo Giám đốc Sở Y tế, công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, điều quan trọng nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh sạch sẽ nhà ở cũng như môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, ở địa bàn dân cư, một số người dân vẫn chưa có kiến thức trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt suất huyết và còn chủ quan, lơ là dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang diễn ra phức tạp.
Chia sẻ thêm với phóng viên Infonet về chế độ ăn uống của người mắc sốt xuất huyết, TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng , Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn - Viện Dinh dưỡng cho rằng, điều quan trọng để người bệnh chống lại loại virus gây bệnh sốt xuất huyết và ngăn ngừa sự tái phát của virus là chế độ ăn uống đầy đủ, khoa học phải được duy trì và tuân thủ.
Theo đó, chế độ dinh dưỡng tuỳ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Nếu như giai đoạn đầu (người bệnh sốt cao) thì cần ăn lỏng. Chế độ ăn nhẹ cho người bệnh sốt xuất huyết khi cơn sốt giảm và người bệnh dần hồi phục. Chế độ ăn uống bình thường trong thời gian hồi phục.
“Người bệnh bị sốt xuất huyết thường cảm thấy buồn nôn, nôn mửa và cực kỳ suy nhược, trong tình trạng này, chế độ ăn lỏng, mềm cần được khuyến nghị cho người bệnh, vì nó dễ tiêu hóa, hấp thu hơn so với chế độ ăn đặc.
Nên ăn một lượng nhỏ và nhiều bữa trong ngày. Chế độ ăn lỏng cung cấp nhiều nước giúp bù lại lượng nước mất đi khi sốt cao và hạ nhiệt độ cơ thể. Nên tránh thức ăn rắn cho đến khi hết sốt. Uống nhiều nước là điều cần thiết để thay thế lượng nước mất đi khi sốt cao”, TS. BS Trọng Hưng khuyến cáo.
TS. BS Trọng Hưng gợi ý những thực phẩm người sốt xuất huyết nên ăn bao gồm:
Uống nhiều nước, đặc biệt là nước dừa. Bởi nước dừa chứa nhiều chất dinh dưỡng, cung cấp chất điện giải tự nhiên nên dừa rất tốt cho tất cả những ai bị mất nước nghiêm trọng. Nước dừa cũng cung cấp cho cơ thể một số chất dinh dưỡng quan trọng giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi sau bệnh sốt xuất huyết.
Tăng cường thực phẩm giàu vitamin C. Các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, ổi, kiwi, dâu tây, xoài … có tác dụng chống oxy hóa rất tốt cho cơ thể khi hồi phục sau bệnh sốt xuất huyết. Cam có hàm lượng chất xơ cao nên rất tốt để trị chứng khó tiêu.
Thực phẩm giàu vitamin C là một lựa chọn không thể bỏ qua cho những ai đang bị sốt xuất huyết. Trái cây màu cam chứa nhiều vitamin C, là một chất chống oxy hóa quan trọng.
Nên ăn sữa chua. Sữa chua có lợi cho quá trình tiêu hóa của bạn và bổ sung chế phẩm sinh học giúp hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh từ đó giúp chống lại virus và nhiễm trùng do vi khuẩn.
Đáng lưu ý, TS. BS Trọng Hưng cũng nhấn mạnh người mắc sốt xuất huyết không nên kiêng các loại thức ăn như trứng, thịt gà và cá.
Lý do là bởi, người bệnh sốt xuất huyết phải thực hiện chế độ ăn giàu protein. Một bữa ăn có nhiều protein chất lượng tốt (nạc) sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
“Vì vậy, những lời khuyên không nên ăn đồ tanh như cá, trứng hay thịt gà là không có cơ sở. Những thực phẩm này cung cấp cho cơ thể lượng chất dinh dưỡng phù hợp để giúp cơ thể chống chọi lại nhiễm trùng”, TS. BS Nguyễn Trọng Hưng thông tin.
Ngoài ra, thực phẩm cay nóng, đồ chiên rán theo BS Hưng mới là những thực phẩm không nên ăn. Lý do là bởi, người bệnh sốt xuất huyết không chỉ bị sốt, cảm mà còn mệt mỏi vô cùng. Hơn thế, bệnh sốt xuất huyết là virus có thể khiến hệ tiêu hóa của cơ thể bạn yếu đi, do đó điều quan trọng là bạn phải tránh thức ăn cay và nhiều dầu mỡ trong thời gian bị nhiễm bệnh - có thể gây khó chịu cho đường tiêu hóa.
Không nên tiêu thụ các loại đồ ăn vặt, đồ ăn chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói, đồ nướng... Thay vào đó, nên ăn thức ăn chần hoặc luộc trong thời gian phục hồi vì thức ăn nhiều dầu mỡ làm chậm quá trình tiêu hóa.
Báo cáo của CDC Hà Nội, từ ngày 4 đến 11/11, Thành phố đã ghi nhận 1.343 ca mắc SXH, số mắc tăng 2,3% so với tuần trước đó. Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Đống Đa (120 ca), Thanh Oai (98 ca), Phú Xuyên (95 ca), Hoàng Mai (94 ca). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc SXH (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong (trong khi năm 2021 không có ca tử vong do SXH). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 545/579 xã, phường, thị trấn. Đáng lưu ý, chỉ trong một tuần, Hà Nội đã ghi nhận thêm 83 ổ dịch SXH mới tại 12 quận, huyện, trong đó, nơi có nhiều ổ dịch nhất là quận Hoàng Mai với 24 ổ dịch, tiếp đến là Đống Đa có 12 ổ dịch, Hà Đông (9 ổ dịch), Thanh Oai (8 ổ dịch), Thanh Trì (7 ổ dịch)… Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến ngày 11/11, trên địa bàn TP Hà Nội đã ghi nhận 994 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. |
N. Huyền