5 người nhập viện vì uống rượu ngâm với củ cây thương lục
Đêm 21/6, TS Hoàng Công Tình – Trưởng khoa Hồi Sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình cho biết các bác sĩ của khoa vừa cấp cứu 5 bệnh nhân ngộ độc do uống rượu ngâm với củ cây thương lục.
Theo TS Tình, các bệnh nhân là công nhân, nhập viện với các triệu chứng giống nhau - tê lưỡi, đau bụng dữ dội, nuôn, tiêu chảy, vã mồ hôi, khó thở...
Qua khai thác nhanh, cách đó khoảng 1 giờ, các bệnh nhân cùng ăn cơm, có uống rượu ngâm với củ của một loại cây mà theo họ, đó là nhân sâm và rượu được mang ra uống lần đầu kể từ khi ngâm. Nhận định đây là tình trạng ngộ độc tập thể qua đường ăn uống và chất gây ngộ độc nghĩ nhiều đến do rượu ngâm.
Hình ảnh chai rượu người nhà mang tới cùng với củ thương lục nhầm là sâm. |
Bằng việc kích hoạt hệ thống Báo động đỏ, các thầy thuốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình đã huy động tối đa nhân lực để cấp cứu người bệnh. Mục tiêu trước mắt là dùng các biện pháp đào thải nhanh nhất chất độc ra khỏi đường tiêu hoá của các bệnh nhân bằng: gây nôn, rửa dạ dày, nhuận tràng, truyền dịch.
Ngoài ra, các bệnh nhân được theo dõi liên tục để sẵn xử trí nếu có suy hô hấp, co giật, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, suy chức năng các tạng. Ngoài ra, các bác sĩ cũng nhanh chóng tìm nguyên nhân gây ngộ độc.
Bác sĩ hướng dẫn người nhà mang rượu mà họ đã uống, loại cây mà họ đã sử dụng củ của nó để ngâm rượu. Qua quan sát hình dạng củ, quả và lá của loại cây này, đồng thời tham khảo ý kiến một số chuyên gia và tra cứu các tài liệu, các chuyên gia nhận định đây là cây thương lục - tên khoa học là Phytolacca acinosa Roxb. Củ và rễ của loại cây này cũng rất giống nhân sâm.
Trước đó, nhóm công nhân đã nhầm lẫn loại cây này là nhân sâm nên đào củ của nó để ngâm rượu và lần đầu mang ra uống sau một thời gian ngâm. Trong 6 người ăn cơm và uống loại rượu ngâm này, 5 người uống nhiều nhất có triệu chứng nặng phải nhập viện, 1 người uống ít rượu, các triệu chứng nhẹ hơn nên không nhập viện.
Sau 2 ngày điều trị và chăm sóc, các bệnh nhân đã hết các triệu chứng lúc ban đầu nhập viện nhưng vẫn còn mệt và xin xuất viện về chỗ trọ để tiếp tục theo dõi sức khoẻ.
Bệnh nhân cấp cứu tại BV |
Theo TS Phạm Việt Hoàng – nguyên giám đốc BV Tuệ Tĩnh, Hà Nội cho biết rất nhiều trường hợp ngộ độc do nhầm củ thương lục với củ nhân sâm. Thực tế, tại nhiều vùng người dân còn trồng cây thương lục vì nó có củ, mùi vị giống hệt nhân sâm. Tuy nhiên nó lại gây ngộ độc.
BS Hoàng cho biết, trong đông y, thương lục có vị đắng, tính lạnh, có độc. Đông y cho rằng cây này có tác dụng thông đại tiểu tiện, tiêu thũng, tác dụng vào kênh tì, bàng quang, trong dân gian chữa tiêu phì, chữa bệnh ngoài da, xơ gan, viêm thận.
Ngoài ra, trong đông y thương lục là một vị thuốc công hạ (tẩy xổ) mãnh liệt, có thể gây sảy thai, nên không dùng cho phụ nữ có thai và người già, người tỳ vị hư nhược. Ngay cả người trai trẻ khỏe mạnh mà dùng nhiều và dùng lâu dài thì cũng tổn thương gân cốt và hại thận.
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, thương lục có tác dụng giảm ho, bình suyễn, hóa đàm, chống viêm,… Trong củ có một chất độc đắng gọi là phytolaccatoxin, rất nhiều muối kali nitrat, axit oxymyristinic và một chất steroid saponin (chất này có tác dụng diệt tinh trùng); có sách nêu có axit esculentic.
Chính vì tác dụng trong đông y của nó có nhưng lại là cây thuốc chứa độc nên theo TS Hoàng, khi sử dụng loại thuốc có cây này cần có sự chỉ định của bác sĩ đông y về liều lượng thích hợp để tránh ngộ độc.
Người dân, khi thấy những loại củ sâm bán ngoài đường không nên mua về ngâm rượu uống kẻo tự đưa chất độc vào người. Thương lục có độc nên dùng quá liều trên người gây ngộ độc sau 20 phút đến 3 giờ. Ngộ độc nhẹ thì thân nhiệt tăng, tim đập nhanh, thở mạnh, nôn mửa, đau bụng, tinh thần hoảng hốt, nói lảm nhảm.
Ngộ độc nặng thì gây liệt thần kinh, hôn mê, thở khó, huyết áp tụt, tim ngừng đập gây tử vong.
TS Hoàng Công Tình cho biết, khi ngộ độc với bất kỳ thành phần nào của cây thương lục, cần nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi đường tiêu hoá bằng các cách: gây nôn, rửa dạ dày, dùng thuốc nhuận tràng, truyền dịch. Người bệnh phải được điều trị và theo dõi tại các cơ sở y tế.
Khánh Chi