Tưởng 'đèn đỏ' phập phù, người phụ nữ phải nhập viện cấp cứu
Chậm kinh 10 ngày nay nhưng do chủ quan và do kinh nguyệt không đều nên không đi khám, kiểm tra, chỉ đến khi đau bụng, ra máu nhiều, huyết áp tụt người phụ nữ 23 tuổi mới đến viện... thì đã trong tình trạng sock/mất máu.
Ảnh minh hoạ |
Khoa Phụ sản - Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận bệnh nhân H.T.N 23 tuổi trú tại huyện Hà Quảng nhập viện trong tình trạng đau bụng, ra máu âm đạo nhiều, huyết áp tụt, hoa mắt, chóng mặt.
Theo người nhà kể, bệnh nhân nói chậm kinh 10 ngày nay, do chủ quan và do kinh nguyệt không đều nên không đi khám, kiểm tra. Sau khi vào viện bệnh nhân được thăm khám, làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, được các bác sỹ chẩn đoán: Chửa ngoài tử cung vỡ/ sock mất máu.
Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và mổ cấp cứu kịp thời và đã qua cơn nguy kịch. Hiện tại sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định.
Thời gian gần đây Khoa Phụ - sản Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp nhận nhiều ca chửa ngoài tử cung đến viện trong tình trạng rất nặng nề có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
Nguyên nhân mang thai ngoài tử cung, Bs CKI Dương Thế Đức, Phó trưởng khoa Phụ - sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết thường gặp như viêm dính vòi tử cung, các bất thường bẩm sinh của vòi tử cung, phẫu thuật tạo hình vòi tử cung, dính bên ngoài sau viêm phúc mạc, vòi tử cung quá dài, vòi tử cung bị xoắn, co bóp và nhu động bất thường của vòi tử cung. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như khối u ở phần phụ, lạc nội mạc tử cung, sau can thiệp buồng tử cung, sử dụng các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản…
Thai ngoài tử cung là hiện tượng trứng đã thụ tinh nhưng không nằm trong tử cung mà phát triển ở một vị trí khác, như ống dẫn trứng, buồng trứng, cổ tử cung, hay trong ổ bụng. Một vị trí đặc biệt khác của thai ngoài tử cung là thai bám ở vết mổ cũ đã mổ lấy thai trước đó.
Phụ nữ mang thai ngoài tử cung sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe sinh sản. Hiện tượng này khiến phụ nữ giảm khả năng thụ thai về sau, hoặc có thể bị thai ngoài tử cung lại vào lần mang thai kế tiếp, thậm chí có thể dẫn tới vô sinh. Vì vậy, để phòng tránh mang thai ngoài tử cung, các mẹ bầu cần lưu ý những dấu hiệu thai ngoài tử cung như: Chậm kinh, đau bụng, ra máu âm đạo sẫm màu, từng đợt hoặc kéo dài sau 1 vài tuần chậm kinh.
Dấu hiệu của thai ngoài tử cung rất dễ nhầm với một số bệnh và biến chứng khác, nhất là sảy thai. Vì vậy, khi có các dấu hiệu trên, thai phụ cần tới ngay bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và siêu âm. Trường hợp không đi khám để được phát hiện sớm, nếu thai ngoài tử cung vỡ sẽ dẫn đến mất máu, có thể sốc do mất máu với biểu hiện chóng mặt, hoa mắt hay ngất xỉu, thậm chí là tử vong.
Để phòng ngừa và hạn chế mang thai ngoài tử cung, các bác sĩ sản phụ khoa khuyến cáo, khi phụ nữ phát hiện các bệnh như viêm vòi tử cung, viêm dính vòi tử cung, chỉnh sửa bất thường bẩm sinh ở vòi tử cung thì cần điều trị một cách tích cực và triệt để, đặc biệt là viêm nhiễm do Chlamydia. Chú ý trong phẫu thuật tạo hình vòi tử cung, tránh hiện tượng gấp khúc, xoắn của vòi tử cung.
Cùng với đó, phụ nữ cần chữa các bệnh liên quan đến lạc nội mạc tử cung, điều trị viêm nhiễm phụ khoa triệt để, trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải đảm bảo vô trùng, chuẩn mực để tránh viêm nhiễm. Sau điều trị mang thai ngoài tử cung nên đợi ít nhất 6 tháng đến 1 năm mới có thai trở lại, lúc này, cơ thể đã ổn định mới tránh được những biến chứng của việc bị thai ngoài tử cung trước đó.
N. Huyền
Tưởng đau bụng thông thường không ngờ mắc bệnh rất hiếm gặp, tỷ lệ tử vong cao
Đau bụng vùng quanh rốn trước khi nhập viện 3 ngày, bà C. được phát hiện vừa mắc bệnh u Lympho vừa mang nhóm máu Rh hiếm gặp.