Xuân Sơn (Phú Thọ): Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần xây dựng NTM
Trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Vườn Quốc gia Xuân Sơn vẫn đón trên 25.000 lượt khách tới tham quan, doanh thu du lịch đạt khoảng 15 tỷ đồng…
“Giữ được rừng sao sợ không có củi đun”
Xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ nằm gọn trong Vườn quốc gia Xuân Sơn, vốn là một xã nghèo của tỉnh Phú Thọ. Nhưng vài năm gần đây, nhờ phát triển du lịch cộng đồng, đời sống của đồng bào người Dao, người Mường nơi đây đã được cải thiện. Đây cũng đang trở thành định hướng phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương.
Vườn Quốc gia Xuân Sơn có tổng diện tích gần 33.700ha, trong đó vùng lõi hơn 15.000ha, đứng thứ 12 trong số 15 vườn Quốc gia lớn nhất Việt Nam. Đây như một “lá phổi xanh” và đang trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn không chỉ của riêng tỉnh Phú Thọ mà còn của cả vùng Tây Bắc.
Vốn nằm ở vùng “tam giác” ranh giới của 3 tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình và Sơn La, cách Hà Nội hơn 100km. Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng tại xã Xuân Sơn đã và đang thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Nếu trước đây, đời sống của người dân phụ thuộc vào rừng thì giờ đây rừng vẫn là nguồn sống của họ, nhưng được chuyển đổi sang hướng làm du lịch thay vì khai thác lâm sản như trước.
Theo ông Hà Đức Minh - Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn (huyện Tân Sơn): Phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc Mường, Dao tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân, bảo vệ rừng theo hướng bền vững, đồng thời khai thác được tiềm năng và thế mạnh của miền đất này. Đây cũng chính là chủ trương của lãnh đạo xã trong chuyển dịch phát triển kinh tế, xây dựng NTM của địa phương.
“Trước đây người dân vào rừng khai thác lâm sản khiến việc bảo tồn và giữ rừng gặp nhiều khó khăn. Nhưng giờ đây, rừng đang trở thành nguồn sống của người dân nhưng theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của địa phương nên chính người dân trở thành những người gác rừng và bảo vệ rừng. Câu nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” giờ được người dân Xuân Sơn thấm nhuần hơn ai hết, bởi họ hiểu rằng “giữ được rừng rồi thì sợ gì không có củi đun”, ông Minh chia sẻ.
Một tiết mục văn nghệ tại Nhà văn hóa cộng đồng tại Xuân Sơn. Ảnh: Hải Duyên |
Du lịch cộng đồng – giải pháp xây dựng NTM của địa phương
Theo anh Đào Bá Hùng, một hướng dẫn viên du lịch tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn: “Một ngày ở Xuân Sơn có đủ thời tiết 4 mùa đặc trưng: Buổi sáng mát mẻ của mùa Xuân, buổi trưa ấm áp của mùa Hè, buổi chiều hiu hiu như mùa Thu, buổi tối trời se lạnh đặc trưng của mùa Đông. Đây là lợi thế để loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng ngày càng phát triển”.
Cũng theo anh Hùng, dù mô hình du lịch cộng đồng mới phát triển tại Xuân Sơn, nhưng đây sẽ là địa chỉ tiềm năng phát triển du lịch không chỉ của Phú Thọ mà còn là của vùng Tây Bắc. Được biết, toàn xã Xuân Sơn hiện có hơn 10 hộ tham gia kinh doanh homestay, với khả năng phục vụ 300 khách/ngày. Tuy quy mô chưa nhiều nhưng việc các hộ tham gia làm du lịch cộng đồng, được tập huấn cách phục vụ, nấu ăn, tiếp đón du khách đã và đang trở thành hướng phát triển kinh tế cho đồng bào địa phương.
Do nằm gọn trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn, xã Xuân Sơn rất ý thức trong việc bảo tồn rừng. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng nơi đây cũng phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt. Ví dụ, các hộ kinh doanh du lịch đều phải tuân thủ các nguyên tắc xây dựng không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, chỉ trồng thêm cây chứ không được chặt hạ. Chính vì vậy, tại các homestay những bồn hoa cây cảnh, hệ thống tường rào, cổng hoa dây leo đều được quy hoạch và xây dựng đồng nhất tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Chia sẻ thêm về định hướng phát triển của địa phương, ông Hà Đức Minh cho biết: Vốn là Vườn Quốc gia nên các địa chỉ tham quan tại Xuân Sơn đều có yếu tố rừng, như: “Cọn nước Xuân Sơn”, “Đường hoa du lịch Xuân Sơn”; “Bãi tắm Xuân Sơn”; “Đôi tượng gà nhiều cựa”… Dù các điểm tham quan chưa nhiều, nhưng khí hậu, cảnh quan là thế mạnh của địa phương nên mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng sẽ là định hướng phát triển của xã Xuân Sơn.
Đến với Xuân Sơn, du khách sẽ được trải nghiệm hoạt động sản xuất của người dân địa phương như: đan lát, dệt thổ cẩm, ủ men nấu rượu, bắt cá suối, hái lá thuốc tắm, chế biến các món ăn miền sơn cước, tham gia sinh hoạt văn hóa như đâm đuống, múa xòe, nhảy sạp… Trong kế hoạch xây dựng NTM của địa phương, du lịch cộng đồng đang trở thành hướng đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, gắn với bảo tồn thiên nhiên.
“Trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Vườn Quốc gia Xuân Sơn vẫn đón trên 25.000 lượt khách tới tham quan, doanh thu du lịch đạt khoảng 15 tỷ đồng”, ông Minh cho biết thêm. Được biết, Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn, Vườn Quốc gia Xuân Sơn và Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa – 3 “lá phổi” xanh của vùng Tây Bắc đang được các địa phương đưa vào các đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM tại địa phương.
Hải Việt