Xử lý tàu cá dùng lưới kéo giã cào khai thác sai vùng biển quy định
Tại vùng biển huyện Phú Lộc, xuồng tuần tra cao tốc biên phòng bắt quả tang tàu ĐNA 90887TS, do ông Nguyễn Văn Tân (Quận Thanh Khê, Đà Nẵng, làm thuyền trưởng có hành vi khai thác hải sản bằng lưới kéo giã cào sai vùng biển quy định.
Sáng 16/4, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế khi tuần tra trên biển đã phát hiện tàu cá có hành vi khai thác giã cào tại vùng biển huyện Phú Lộc.
7h15, tại vùng biển huyện Phú Lộc, xuồng tuần tra cao tốc của lực lượng biên phòng bắt quả tang tàu ĐNA 90887TS, do ông Nguyễn Văn Tân (trú tại Q.Thanh Khê, Đà Nẵng, làm thuyền trưởng, là con của chủ tàu, đang khai thác hải sản bằng lưới kéo giã cào sai vùng biển quy định.
Tổ tuần tra đã lập biên bản đình chỉ hành vi vi phạm, đưa người và phương tiện vào cảng Chân Mây để cơ quan chức năng hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý vi phạm.
Nhằm bảo vệ khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm tốt công tác quản lý, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động tàu cá, xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền cho ngư dân về công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và khai thác thủy sản theo quy định.
Việc triển khai các giải pháp phòng, chống khai thác IUU được đặt ra là nhiệm vụ quan trọng cần được ưu tiên.
EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam từ tháng 10/2017. Trong suốt 5 năm vừa qua, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực gỡ cảnh báo này. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản, về chống IUU được hoàn thiện nhằm đảm bảo tính đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Công tác quản lý đội tàu được phân bổ hạn ngạch, giảm dần tàu cá.
Đến nay, trên cả nước có 8.192 tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản vùng ven biển; 12.639 tàu cá được cấp phép khai thác vùng lộng; 29.145 tàu cá được cấp phép khai thác thủy sản vùng khơi. Công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC. Cả nước có 28.519 tàu cá dài từ 15 mét trở lên được lắp đặt thiết bị VMS (đạt 95,27%).
Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển trọng điểm đã được tăng cường, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nhiều vụ việc tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Hiện đã chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm đánh bắt ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.
Tuy vậy, công tác chống IUU vẫn còn những hạn chế khiến Việt Nam chưa thể gỡ được “thẻ vàng”. Việc cấp giấy phép khai thác thủy sản, vẫn còn 3,3% số lượng tàu từ 15 mét trở lên và 53,4% số lượng tàu từ 6 đến dưới 15 mét chưa được cấp phép.
PV