Vụ xe khách tông chết cháu bé: Xe tải đỗ ngược chiều có liên đới trách nhiệm?
Mới đây, mạng xã hội chia sẻ clip vụ việc xảy ra lúc gần 12h trưa ngày 18/11 ở Ninh Bình. Theo nội dung clip, thời điểm xảy ra vụ việc, một chiếc xe tải đỗ bên lề đường ngược chiều (có xi nhan), rất nhiều người đi bộ qua lại. Trong nhóm người đi bộ, bất ngờ một bé trai chạy vọt nhanh sang đường đúng lúc chiếc xe khách lao tới. Cú va chạm quá mạnh khiến bé trai tử vong.
Sau khi xảy ra tai nạn, chiếc xe tải đỗ ngược chiều không dừng lại mà bỏ chạy luôn, coi như mình "không liên quan gì"?
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc nêu trên, luật sư Phạm Thu Hà (VPLS Trung Hòa, Hà Nội) cho biết: “Trên thực tế, việc dừng đỗ ô tô trái quy định nói chung và dừng đỗ xe ngược chiều di chuyển nói riêng không chỉ gây ùn tắc mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Đỗ xe ngược chiều cũng là hành vi bị cấm trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
Theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ "Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định: Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình".
Còn tại khoản 4, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ quy định: "Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: Bên trái đường một chiều; Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; Trên cầu, gầm cầu vượt; Song song với một xe khác đang dừng, đỗ; ...".
Theo khoản 2, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, với hành vi của chiếc xe tải đỗ xe ngược chiều lưu thông của làn đường "Dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy;...", người điều khiển ô tô bị phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng.
Đồng thời, trường hợp dừng đỗ xe ngược với chiều lưu thông nếu xảy ra tai nạn, lái xe còn bị tước GPLX từ 2-4 tháng theo khoản 11, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP”.
Từ các quy định nêu trên, luật sư Thu Hà nêu quan điểm và phân tích : “Việc chiếc xe tải dừng đỗ xe trái quy định pháp luật giao thông đã gián tiếp gây tai nạn, vì vậy người điều khiển phương tiện hoàn toàn có thể bị liên đới, thậm chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và có trách nhiệm đền bù một phần thiệt hại do hành vi của mình gây ra.
Ngoài ra, chiếc xe tải cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người bị tai nạn. Điều này phụ thuộc phía cơ quan điều tra để xác định xem tai nạn giao thông xảy ra có lỗi của người bị tai nạn hay không?
Nếu xảy ra tai nạn nhưng người bị tai nạn không có lỗi, mà tai nạn xảy ra là do lỗi của người đỗ xe trái quy định khiến xe khách bị vướng tầm nhìn gây tai nạn, người dừng đỗ xe sai quy định và xe khách gây tai nạn phải liên đới bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn theo Điều 585, Điều 590 và Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015.
Trường hợp người bị tai nạn cũng có lỗi gây ra tai nạn, theo Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần tương ứng với mức độ lỗi của mình.
Một tình tiết nữa, với việc gián tiếp gây ra tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường, tài xế xe tải có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Luật sư cho rằng, việc xử phạt đối với hành vi đỗ xe ngược chiều như hiện nay vẫn đang là quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần có điều chỉnh theo hướng tăng nặng để hạn chế tối đa hành vi nguy hiểm này.
Những mức phạt mang tính răn đe mới chỉ hạn chế được một phần hành vi gây tai nạn giao thông. Ngoài ra, để tránh những rủi ro, thiệt hại trong quá trình tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cần tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ, làm chủ tốc độ lái, và tập trung quan sát, xử lý các tình huống bất ngờ.
Sông Yên