Xây dựng NTM gắn với đô thị hóa ở thành phố biển Sầm Sơn
Đẩy mạnh phát triển ngành kinh tế du lịch biển, dịch vụ và các ngành trọng điểm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng nông thôn mới gắn với từng bước đô thị hóa đang là hướng đi của TP Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Thành phố Sầm Sơn được thành lập năm 2017 (tiền thân là Thị xã Sầm Sơn) là trung tâm kinh tế du lịch biển trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa và nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 16km về phía đông. Sau khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính thì thành phố Sầm Sơn có diện tích tự nhiên 4.494,21 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 1.763,4 ha, diện tích đất phi nông nghiệp 2.696 ha, diện tích đất chưa sử dụng 34,9 ha, dân số 110.270 người sinh sống ở 11 xã, phường (3 xã, 8 phường).
Các xã ở thành phố Sầm Sơn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới |
Từ những ngày đầu bắt tay vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), thành phố Sầm Sơn đã phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, tiếp tục phát huy nội lực, huy động đầu tư hoàn thiện các tiêu chí xây dựng xã NTM, xây dựng điểm các thôn kiểu mẫu đồng thời nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao, mô hình phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp quy mô hộ gia đình, tổ hợp tác, làng nghề nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo việc làm tại chỗ cho lao động ngoại thành.
Trong quá trình đó thành phố Sầm Sơn luôn kết hợp xây dựng NTM với từng bước đô thị hóa các xã, huy động sự tham gia của cộng đồng, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ các dự án xây dựng các xã NTM, với xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, đủ tiêu chí đưa xã lên phường. Nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu gắn với sắp xếp, tổ chức lại các khu chức năng cấp xã (khu dân cư, khu đồng ruộng, khu trung tâm xã,...). Hình thành các khu dân cư nông thôn theo hướng đô thị dưới các hình thức phố làng, khu dân cư làng nghề, khu dân cư nông thôn phi nông nghiệp.
Thành phố Sầm Sơn có lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi và cũng là trung tâm du lịch nổi tiếng của cả nước, hàng năm đón 4,5 – 5 triệu lượt khách về tắm biển, nghỉ dưỡng, thưởng thức các món ăn hải sản biển. Sau khi khu đô thị sinh thái FLC và sân golf 18 lỗ được đưa vào hoạt động (năm 2015), thành phố Sầm Sơn đã được đông đảo khách du lịch trong nước, quốc tế đánh giá cao về công tác phục vụ du lịch biển, nâng tầm vị trí trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, thành phố Sầm Sơn tiếp tục huy động, kêu gọi đầu tư và đang triển khai xây dựng các dự án trọng điểm như Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn do Công ty Cổ phần Mặt trời – Sungroup làm chủ đầu tư; dự án đường bộ ven biển nối thành phố Sầm Sơn đi Khu kinh tế Nghi Sơn...
Những lợi thế trên cùng với các giải pháp hỗ trợ được ban hành đã góp phần không nhỏ trong việc khuyến khích, kích cầu cho các xã tích cực đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng được lộ trình cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Xây dựng cơ sở hạ tầng đưa các địa phương lên phường ở thành phố du lịch biển Sầm Sơn |
Ngoài ra, thành phố xác định một trong những việc đầu tiên phải làm là triển khai thực hiện các mô hình dân vận khéo, tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, tích cực tham gia phong trào "Chung tay xây dựng NTM” bằng những việc làm cụ thể, bắt đầu từ thôn, xóm, làng, xã, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về vai trò của mình trong xây dựng NTM.
Các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước hỗ trợ tích cực, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trong xã hội và giúp cho nhân dân chủ động hơn trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM; lấy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” làm mục tiêu định hướng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng NTM.
Kể từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM đến nay thành phố Sầm Sơn đã huy động được nguồn lực với tổng số tiền 736,657 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 41,636 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 14,366 tỷ đồng, ngân sách thành phố 152,156 tỷ đồng, ngân sách xã 129,369 tỷ đồng, doanh nghiệp 4,3 tỷ đồng, nhân dân tham gia (tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, chỉnh trang nhà ở) 421,831 tỷ đồng.
Hiện nay trên địa bàn thành phố Sầm Sơn cả 3 xã là Quảng Đại, Quảng Hùng, Quảng Minh đều được công nhận đạt chuẩn NTM với tỷ lệ 100%.
Mục tiêu trong những năm tiếp theo đối với thành phố Sầm Sơn là phấn đấu đưa 3 xã trên lên phường. Việc duy trì tiêu chí NTM nhằm từng bước đô thị hóa các xã ngoại thành, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Trần Nghị