Xây dựng nông thôn ở Thừa Thiên-Huế thành vùng quê đáng sống
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, góp phần chung đạt mục tiêu Chương trình do Chính phủ đề ra giai đoạn 2010-2020.
Nhiều vùng nông thôn ở Thừa Thiên-Huế đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. |
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có 44/104 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Trong năm 2019, tỉnh Thừa Thiên-Huế đề ra mục tiêu phải nâng lên 54 xã đạt chuẩn (tương đương 51,9%) nhằm tạo tiền đề hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2016-2020 của địa phương.
Trong năm 2020, tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt ra mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chương trình giai đoạn 2016-2020 và có ít nhất 61 xã/104 xã (tương đương tỷ lệ 59%) đạt chuẩn.
Tỉnh phấn đấu huyện Quảng Điền đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện và toàn tỉnh có ít nhất 8 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, ít nhất có 16 thôn nông thôn mới kiểu mẫu và 40 vườn mẫu được công nhận…
Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Chương trình và tiếp tục xây dựng nông thông mới có hiệu quả, tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định cần phải nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và chính quyền, trong đó, công tác truyền thông cũng đóng vai trò rất quan trọng bởi việc xây dựng nông thôn mới có điểm xuất phát nhưng không có điểm kết thúc.
Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, làm nông thôn mới là làm cho người dân mà chủ yếu là nông dân, cho nông thôn, người dân nông thôn là chủ thể là trung tâm của chương trình. Mục tiêu cao nhất và xuyên suốt khi làm nông thôn mới là cuộc sống người dân phải sung túc hơn, xã hội ở nông thôn yên bình hơn và chính quyền ở nông thôn thân thiện hơn. Đây là ba yếu tố cốt lõi phải hướng đến mà địa phương nào cũng cần phải lưu ý khi xây dựng nông thôn mới.
Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu các địa phương và các ngành liên quan phải quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách phù hợp, đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất, chú trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn….
Các địa phương tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.
Song song với đó là thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn, đưa nông thôn thật sự trở thành môi trường đáng sống, bình yên và thân thiện.
Xây dựng nông thôn mới phải đưa nông thôn trở thành một nơi đáng sống, bình yên và thân thiện. |
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh, phong trào Ngày Chủ nhật xanh tại Thừa Thiên-Huế là một phong trào có sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân và có sức lan tỏa rộng lớn. Vì vậy, cần phát huy, nhân rộng sự thành công của mô hình này đối với việc xây dựng nông thôn mới. Đây là yếu tố khác biệt của tỉnh Thừa Thiên-Huế so với các tỉnh, thành khác trong việc xây dựng nông thôn mới.