Vua chứng khoán Nguyễn Duy Hưng đang làm gì với nông nghiệp?
Đại hội cổ đông thường niên 2017 mới đây, PAN khẳng định hướng đến cung cấp nguồn thực phẩm sạch và có nguồn gốc an toàn.
Sau quá trình tăng vốn thần tốc, từ mức 326 tỷ đồng năm 2012, vốn điều lệ của PAN hiện tại là 2.319 tỷ đồng. Các cổ đông lớn của PAN gồm: Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) sở hữu 20%; Công ty TNHH NDH Invest sở hữu 11%; Quỹ TAEL sở hữu 21%; Mutual Fund Elite sở hữu 9,79%; GIC, Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore, sở hữu 5,01%; và IFC (Tổ chức tài chính của WorldBank) sở hữu 4,81%. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT PAN chỉ trực tiếp sở hữu 0,74%.
PAN hiện hoạt động ở hai mảng chính gồm: PAN Farm và PAN Food. Trong năm 2016 PAN đã thành lập PAN Salad Bowl để trồng hoa và các loại thực phẩm cao cấp cung cấp cho cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trước đó công ty tập trung vào trồng hoa xuất khẩu, chủ yếu là sang Nhật Bản.
Cũng trong năm 2016, PAN đã mua lại 22,4% cổ phần tại CTCP Thủy sản Nha Trang 584, là công ty sở hữu một số thương hiệu nổi tiếng về nước mắm truyền thống.
PAN Farm hiện nắm 75% cổ phần tại CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC) và 64% tại Pan Salad Bowl. Trong khi PAN Food nắm 80,52% cổ phần tại CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF), doanh nghiệp chuyên chế biến hạt điều xuất khẩu; 72,82% cổ phần tại CTCP Thủy sản Bến Tre (ABT); 99,95% cổ phần tại CTCP Chế biến thực phẩm PAN; 43,7% cổ phần tại CTCP Bibica (BBC) và 22,4% cổ phần tại Thủy sản Nha Trang 584.
![]() |
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT The PAN Group. |
Tại ĐHCĐ thường niên, PAN tiết lộ đã bán 20% cổ phần của PAN Farm thông qua việc phát hành riêng lẻ 20% cổ phần PAN Farm cho một đối tác chiến lược với tổng giá trị là 400 tỷ đồng. Theo đó vốn điều lệ của PAN Farm tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng. Công ty có thể cũng sẽ xem xét bán tiếp cổ phần PAN Farm để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 66,7%.
Hiện PAN đang xây nhà máy chế biến thực phẩm để sản xuất thực phẩm đóng gói tại KCN Vĩnh Lộc (Long An) với diện tích 10ha, vốn đầu tư dự kiến 200 tỷ đồng. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trước cuối tháng 10/2017. Công ty có kế hoạch tham gia thị trường thực phẩm đóng gói mang thương hiệu của chính công ty.
Pan Salad Bowl được thành lập năm 2016, là liên doanh giữa PAN và đối tác Nhật Bản với mục đích trồng hoa và rau chất lượng cao trong nhà kính để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Diện tích nhà kính là 7,5ha và Pan Salad Bowl muố n nâng diệ n tích nhà kính lên 200ha trong 5 năm tới. Cho đến nay, Pan Salad Bowl đang xuất khẩu toàn bộ sản phẩm sang thị trường Nhật Bản với sản lượng đạt 150.000-200.000 cành hoa/tuần. Tỷ suất lợi nhuận gộp của lĩnh vực này là khá cao, từ 35%-40% và tỷ suất lợi nhuận thuần vào 15%-20%. Năm nay Pan Salad Bowl dự định sẽ bắt đầu bán rau trồng trong nhà kính ra thị trường.
Theo báo cáo tài chính năm 2016 của PAN, doanh thu thuần năm 2016 đạt 2.753 tỷ đồng, LNTT đạt 385,1 tỷ đồng, LNST đạt 336,4 tỷ đồng, và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 257 tỷ đồng. PAN Food đóng góp 49,2% doanh thu thuần, PAN Farm đóng góp 48,1%, PAN Service đóng góp 0,25%.
Sau khi CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC), công ty con của PAN mới đây đã mua lại CTCP Giống cây trồng Miền Nam (SSC). NSC còn thành lập CTCP Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam tại Hà Nam để trồng dưa và rau. Công ty đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dưa lớn nhất miền Bắc với mục tiêu doanh thu 4 tỷ/năm/ha và tỷ suất lợi nhuận gộp từ 35%-40%.