Vụ hiệu trưởng Trần Cao Vân: Đã từng góp ý chân thành, nhưng...
Giá phải trả quá đắt!
Như Infonet đã đưa tin, ngày 4/11, Văn phòng UBND quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đã có văn bản số 262/TB-VP thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, giao Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng GD-ĐT quận tham mưu, điều động, bố trí công tác khác đối với bà Vương Thị Vân, Hiệu trưởng trường tiểu học Trần Cao Vân. Đồng thời tham mưu, đề xuất nhân sự thay thế bà Vương Thị Vân để đảm bảo ổn định công tác điều hành trường này, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2013 - 2014.
![]() |
Bà Vương Thị Vân giải trình trước đoàn kiểm tra liên ngành của quận Thanh Khê sáng 17/10 (Ảnh: HC) |
Thực ra, đây là quyết định chẳng đặng đừng, bởi nó gây ảnh hưởng không chỉ đối với bà Vương Thị Vân, vốn xuất thân từ chính trường Trần Cao Cân, nhiều năm kinh qua các chức vụ hiệu phó, hiệu trưởng trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ và được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú trước khi quay trở lại làm hiệu trưởng, bí thư chi bộ trường Trần Cao Vân, mà còn với phong trào chung của phường Tân Chính (nơi trường Trần Cao Vân đứng chân), của quận Thanh Khê cũng như của ngành giáo dục quận và TP Đà Nẵng.
Việc bà Vương Thị Vân chỉ sau vỏn vẹn 3 tháng được điều động và bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Trần Cao Vân, nay đã phải chuẩn bị rời đi nơi khác với lời kết luận "chủ quan, nóng vội trong chỉ đạo, điều hành một số chủ trương lớn của nhà trường, chưa bàn bạc, trao đổi dân chủ, chưa tạo ra mối quan hệ và sự thống nhất trong tập thể Ban Giám hiệu, Hội đồng sư phạm và với Ban đại diện CMHS... " của Chủ tịch UBND quận Thanh Khê có thể nói là cái giá phải trả rất đắt đối với Vương Thị Vân.
Điều đáng nói là, lẽ ra bà Vương Thị Vân đã không phải trả cái giá như ngày hôm nay nếu ngay từ khi mới bước chân về trường Trần Cao Vân, bà chịu lắng nghe những lời góp ý hết sức chân thành, thẳng thắn, chí lý, chí tình của lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền phường Tân Chính, mà cụ thể là của ông Võ Văn Phương, Bí thư Đảng uỷ phường và bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch UBND phường.
![]() |
Ông Võ Văn Phương, Bí thư Đảng uỷ phường Tân Chính trao đổi với PV Infonet sáng 10/10 (Ảnh: HC) |
Ông Võ Văn Phương, Bí thư Đảng uỷ phường Tân Chính: Nóng vội từ chuyện chặt cây, thu tiền...
Không chỉ đến khi nhận được đơn kiến nghị của Ban đại diện PHHS trường Trần Cao Vân mà thực ra, có những cái tôi cũng biết ngay từ đầu và đã trực tiếp làm việc với cô Vân ngay từ tuần đầu tiên cô về trường, trên tinh thần là Bí thư Đảng uỷ phường làm việc với một Bí thư chi bộ trực thuộc, có những cái trao đổi để hướng đi cho nó đúng hơn.
Tôi nói với cô Vân, khi cô mới về, tôi nghe một số thông tin là cô thiếu sự thân thiện với tập thể thầy cô và phụ huynh học sinh (PHHS). Thứ hai là cô thay đổi môi trường hoạt động của nhà trường, có những cái quá nhanh. Thứ ba là mức độ tăng học phí gây bức xúc cho PHHS. Những vấn đề đó tôi được biết và tôi đã mời cô Vân qua nói chuyện. Với tinh thần anh em, tôi nói với cô Vân là "anh được biết một số điều như thế".
Cụ thể là việc PHHS góp ý sân trường Trần Cao Vân chật, nhờ mấy cây bàng, cây bồ đề trong sân trường cho có bóng mát cho các em HS ra chơi, sinh hoạt... Nhưng cô Vân về là cô chặt cành hết, để mấy cây trụi hết trơn. PHHS cho rằng cô làm như vậy là không nên. Cô Vân giải thích "em nghĩ là chặt cành bớt đi, khi tổ chức khai giảng hoặc các hoạt động lớn thì sẽ giăng bạt, và thứ hai nữa là khi ra cành mới thì sẽ đẹp hơn chứ em không nghĩ chuyện nớ!".
Đúng là hôm khai giảng, trường Trần Cao Vân có giăng một cái bạt rất lớn, rất đẹp. Nhưng theo các PH thì cô Vân đã thay đổi môi trường của nhà trường một cách đột ngột quá. Nếu chặt cây đi nữa thì nên chặt vào mùa đông, đằng này cô lại chặt cây trúng ngay vào mùa hè. Lúc cô mới về, mùa hè còn nắng chang chang mà cô lại chặt cây nên sân trường rất nắng khiến người ta phản ứng.
Việc nữa là thu tiền HS. So với mấy năm trước thì mức thu của năm nay là vượt trong khi tình hình kinh tế khó khăn hơn. Mà nhân dân phường Tân Chính, nói vậy chứ ngoại trừ một số nhà ở mặt tiền, còn lại rất nhiều hộ dân sống trong các đường kiệt rất là nghèo. Cô phải biết rằng hộ nghèo ở các phường Tân Chính, Vĩnh Trung... tuy là đô thị nhưng thực tế ra nếu so sánh với các hộ nghèo ở các phường vùng ven như Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, An Khê (đều thuộc quận Thanh Khê - PV) có khi còn nghèo hơn.
Vì sao? Hộ nghèo ở đây (phường Tân Chính - PV) là cực nghèo luôn. Một nhà có thể 3 - 4 hộ trong đó, chia ra đầu người không mấy mét vuông. Có những đường kiệt chỉ rộng nửa mét mà có cả trăm hộ sinh sống. Hộ nghèo ở Thanh Khê Tây là do thu nhập không có, nhưng nhà của họ có khi cả trăm mét đất. Họ vẫn hơn mình. Nên đừng nghĩ phường đô thị này sẽ có điều kiện, thuộc phường loại 1 để mà nâng mức thu lên. Cho nên việc thu so với mọi năm chỉ tính trượt giá chút ít thôi, chứ không thể để PH phải chịu thêm một lúc mấy trăm ngàn trên một đầu HS là không nên.
Cái này tôi cũng đã chỉ đạo Bích Vân (bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch UBND phường Tân Chính) là em phải thực hiện chủ trương này, cố gắng giảm càng thấp thì càng tốt. Tôi không biết mức thấp là bao nhiêu, cái đó là do tính toán của nhà trường. Tôi không chỉ đạo sâu về việc thu, chi cụ thể như thế nào nhưng chủ trương là phải giảm tối đa vấn đề thu tiền HS để đỡ bớt gánh nặng cho PH. Việc này cô Vương Thị Vân có tiếp thu nhưng sau đó nghe nói chỉ giảm được mấy chục ngàn!
Tôi có nói với cô Vân, tôi đồng ý với cô, ngay cả tôi cũng vậy, mỗi một thủ trưởng, một lãnh đạo về cơ quan mới thì ai cũng có một phương thức lãnh đạo riêng của họ để thay đổi, đổi mới. Nhưng tôi đề nghị một điều là những cái gì đã tốt rồi thì cố gắng giữ và phát huy, đừng có xáo trộn nhiều quá. Chỉ những cái gì chưa tốt, chưa thật sự bài bản thì mình tập trung vào những cái đó mà làm. Mình làm trước những vấn đề chưa tốt đi, còn những vấn đề đã tốt rồi, đã được phát huy rồi thì cứ giữ như rứa mà làm, không nên xáo trộn.
Nhà tôi ở phường Hoà Khê, nơi có trường Huỳnh Ngọc Huệ nên tôi cũng có nghe nhiều thông tin khi cô Vân làm hiệu trưởng ở đó trước khi về làm hiệu trưởng trường Trần Cao Vân. Vì vậy khi qua chỉ đạo công tác ở trường Trần Cao Vân, tôi sợ nhất là chuyện thu tiền học HS, lạm thu này nọ. Tôi yêu cầu làm gì thì làm nhưng trường chỉ được thu những khoản thu mà TP và quận cho phép, còn những khoản thu ngoài quy định thì phải có sự thoả thuận, thống nhất giữa nhà trường và Hội PHHS. Nếu không có sự thoả thuận thì tuyệt đối không thu một đồng nào hết. Nếu thu sai thì phải chịu trách nhiệm!
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch UBND phường Tân Chính: Hãy sống chân thành để được mọi người giang tay chào đón!
![]() |
Bà Nguyễn Thị Bích Vân trao đổi với PV Infonet chiều 11/10 (Ảnh: HC) |
Tôi và chị Vân (bà Vương Thị Vân) từng ngồi nói chuyện với nhau ở đây, cũng vào một buổi chiều như thế này.
Tôi nói Đảng bộ, chính quyền phường rất ủng hộ khi chị về trường Trần Cao Vân bởi chị là người cũ về với trường xưa chứ không phải người từ đâu về. Mà giả sử là người từ đâu về thì bọn tôi cũng ủng hộ như nhau. Chỉ mong chị sống với mọi người hết sức chân thành, bằng tất cả nhiệt huyết những năm tháng công tác còn lại của chị để đổi lại tình cảm nào đó trong lòng dân Tân Chính.
Nhưng tiếc là bước ban đầu chị về đã gây nhiều điều tiếng quá khiến tôi cũng mệt mỏi.
Tôi đã nói với cô Vân, chính quyền cơ sở chỉ cần một cái dân chủ cơ sở thôi. Chị cứ thực hiện đúng Pháp lệnh Dân chủ cơ sở thì bảo đảm việc gì cũng thành công hết. Cái gối đầu giường của chị là đó, cẩm nang trên bàn làm việc của chị là đó. Nhưng khi chị đã đặt ra mối quan hệ giữa đồng tiền và công việc không ngang nhau thì rõ ràng phải đè cái áp lực đó lên vai PH. Mà khi PH chịu không nổi thì họ phải phản ứng, trong lúc người nghèo của phường Tân Chính quá nhiều đi.
Đâu phải HS trường Trần Cao Vân đều là ngoại tuyến. Tôi đã nói không được lấy HS ngoại tuyến để làm cái mức thu cho trường Trần Cao Vân, mà phải đảm bảo trong địa phương này, con em của những người nghèo cũng như những người khá đều có thể tham gia học tập được hết. Còn nếu chỉ lấy mức của HS ngoại tuyến để áp dụng vô thì rõ ràng những người nghèo trong phường sẽ rất khó khăn.
Tôi không phân tích ra từng nguồn nhưng tại hội nghị Hội PHHS đầu năm học tôi đã nói, nhu cầu rất là nhiều nên phải xác định nhu cầu nào cần thiết thì làm trước, nhu cầu nào chưa cần thiết thì làm sau. Như thế mới đảm bảo cho nguồn tài chính thu từ quỹ PHHS từ đầu năm và trải đều cho cả năm học. Còn nếu cái gì cũng đòi từ nguồn quỹ PHHS hết thì rõ ràng nó sẽ lủng tài chính. Khi đó phải huy động thêm. Huy động thêm là đụng vào tài chính của từng gia đình. Mà đụng vào kinh tế của từng gia đình sẽ tạo ra điểm nóng phức tạp, bức xúc, đơn thư khiếu nại, khiếu kiện và mất an ninh trật tự địa phương.
Nên nói thật là khi nhận được lá đơn kiến nghị của Ban đại diện PHHS trường Trần Cao Vân, tôi vừa bất ngờ, vừa không bất ngờ. Bất ngờ vì thấy có những điều xảy ra ở trường này một cách quá đáng, còn không bất ngờ là vì trước đó tôi cũng đã nghe phản ảnh quá nhiều rồi. Trước khi gửi đơn, Ban đại diện PHHS cũng đã có những cái trực tiếp trao đổi với cô Vân nhưng bị khước từ thì chịu thôi, nên họ phải có động thái khác để giữ gìn uy tiếng, danh tiếng của nhà trường và chất lượng giáo dục cho con em của họ!