Vinamilk công bố báo cáo phát triển bền vững chủ đề ‘Net Zero 2050’
Theo chuẩn mực quốc tế nhưng gần gũi với người đọc
Vinamilk ra mắt cuốn Báo cáo phát triển bền vững đầu tiên vào năm 2012, phát hành tự nguyên và độc lập với báo cáo thường niên. Tại thời điểm đó, chưa có các yêu cầu bắt buộc về lập và công bố báo cáo phát triển bền vững. Báo cáo được tham chiếu theo Chuẩn mực Sáng kiến Báo cáo toàn cầu về lập báo cáo phát triển bền vững (GRI Standards) được phát hành bởi Global Sustainability Standards Board (GSSB) vào năm 2016, điều chỉnh năm 2021. Đây là chuẩn mực quốc tế và phiên bản mới nhất về lập báo cáo phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, báo cáo còn trình bày một số chỉ tiêu được công bố bổ sung theo hướng dẫn của GRI dành riêng cho lĩnh vực thực phẩm (GRI Food Processing). Các mục tiêu và hoạt động chiến lược trong định hướng của Vinamilk cũng gắn với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (17 Sustainable Development Goals) và Khung phát triển bền vững ngành sữa toàn cầu (Dairy Sustainability Framework - DSF).
Năm 2023, chủ đề của Báo cáo là “Để tâm thay đổi - Net Zero 2050”, thể hiện các nội dung liên quan đến lộ trình thực hiện mục tiêu Net Zero của Vinamilk như kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064, các đơn vị đạt trung hòa Carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS 2060:2014...
Thông tin được trình bày bao gồm phương thức quản lý, mục tiêu nhằm phác họa toàn cảnh bức tranh hoạt động trong năm, và định hướng phát triển bền vững cho tương lai. Đề cao yếu tố minh bạch, Báo cáo phát triển bền vững của Vinamilk luôn được đảm bảo bởi đơn vị kiểm toán độc lập.
Làm báo cáo vì lợi ích cho chính doanh nghiệp
“Báo cáo phát triển bền vững ngày càng được quan tâm và đánh giá cao bởi nhiều nhà đầu tư trước khi ra quyết định đầu tư vào các mã cổ phiếu. Với những doanh nghiệp minh bạch thông tin và số liệu phát triển bền vững, đối tượng đầu tiên họ thu hút là những nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài, nhà đầu tư lớn bởi những đơn vị này thường quan tâm đến quản trị và chiều sâu sản xuất - kinh doanh, tính trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng. Về lâu dài, các thực hành phát triển bền vững của các doanh nghiệp này cũng sẽ tác động đến nhà đầu tư cá nhân”, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Cấp cao CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam.
Việc các doanh nghiệp niêm yết lập báo cáo ESG hay rộng hơn là báo cáo phát triển bền vững được xem là yếu tố quan trọng trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán. Công bố báo cáo phát triển bền vững là thực hành rất cần thiết của doanh nghiệp thể hiện sự minh bạch, chuyên nghiệp và chú trọng cho phát triển bền vững.
Nói về việc thực hiện báo cáo phát triển bền vững từ sớm, kể cả khi chưa có các quy định bắt buộc, bà Trần Thái Thoại Trân - Giám đốc Phòng Kiểm soát nội bộ và Quản lý rủi ro Vinamilk cho biết: “Để quản lý hiệu quả khía cạnh phát triển bền vững, nền tảng cơ bản là cơ sở dữ liệu và sự hiểu biết về dữ liệu. Với phương châm những gì đo lường được thì quản lý được, đằng sau mỗi cuốn báo cáo là kho dữ liệu khổng lồ, giúp Vinamilk có được bức tranh đúng và đủ về thực hành phát triển bền vững và cung cấp dữ liệu chính xác, minh bạch cho các bên liên quan”.
Nhờ sự chủ động và chuyên nghiệp, Vinamilk thường xuyên góp mặt tại các giải thưởng lớn với các vị trí dẫn đầu về báo cáo phát triển bền vững. Đại diện Hội đồng bình chọn của Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2023 chia sẻ: “Báo cáo của Vinamilk tiếp tục là một báo cáo chuẩn, bao gồm đầy đủ các chỉ tiêu và lãnh vực quan trọng; được trình bày súc tích, gọn gàng với số lượng trang báo cáo trong mức vừa phải. Ngay từ đầu báo cáo, thông điệp của Tổng Giám đốc đã cho thấy một sự cam kết cao của Ban lãnh đạo Vinamilk và sự lồng ghép thành công yếu tố phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh. Điều này thể hiện ở các định hướng và cam kết nghiêm túc “đưa phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050”.
Hoàng Ly