Việt Nam – Campuchia tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải
Các doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia đồng thuận tăng cường hợp tác để đẩy mạnh lĩnh vực giao thông vận tải giữa hai nước.
Các công ty vận tải Việt Nam và Campuchia đã đồng thuận tăng cường quan hệ hợp tác trong thủ tục kết nối, điều phối và xuất nhập khẩu để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giao thông vận tải giữa hai nước.
Theo Khmer Times, hôm 10/5, các thành viên thuộc Hiệp hội Logistics Campuchia và Phó Giám đốc Cục Xuất Nhập khẩu thuộc Bộ Công thương Campuchia cùng Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng và đại diện từ hơn 50 công ty đã tham dự một cuộc họp vào ngày 10/5.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, Campuchia xuất khẩu 2,3 triệu tấn thóc sang Việt Nam (Ảnh: TL) |
Hôm 11/5, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Campuchia (CLA) là ông Sin Chanthy nhận định cuộc họp về mối quan hệ hợp tác và kết nối giữa các doanh nghiệp vận tải Việt Nam – Campuchia là cần thiết để tăng cường sự điều phối trong giao thông vận tải giữa hai quốc gia, đồng thời giải quyết các vấn đề như tạo điều kiện và thủ tục cho lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng như thúc đẩy thương mại.
Theo ông Chanthy, lĩnh vực giao thông vận tải đang đối mặt với nhiều thách thức như giá dầu tăng cao, ngoài ra dịch vụ vận tải đường thủy cũng đang tăng trưởng nhanh chóng.
“Quan hệ hợp tác trong việc kết nối các doanh nghiệp vận tải Việt Nam và Campuchia đang tạo điều kiện cho hoạt động vận tải giữa hai nước láng giềng mà đặc biệt là tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển các mặt hàng nông sản của Campuchia như xuất khẩu gạo sang Việt Nam”, ông Chanthy nói.
Theo đó, hai nước có kế hoạch ký kết biên bản ghi nhớ tăng cường xuất khẩu nhất là vận chuyển qua Việt Nam thông qua đường thủy và đường bộ. Cũng theo ông Chanthy, mối quan hệ hợp tác trên sẽ giúp thúc đẩy vận tải và giao thương giữa hai nước.
Phát biểu tại cuộc họp, Việt Nam nhấn mạnh mối quan tâm về các tuyến đường vận tải với Campuchia, mà trong đó đặc biệt là phần chi phí cho giao thông vận tải sẽ được phía Việt Nam trình lên chính phủ để giải quyết thủ tục vận tải giữa hai nước.
Bộ Giao thông và Công chính Campuchia còn cho công bố kế hoạch quy mô lớn thiết lập tuyến đường thủy nối sông Tonle Bassac tới tỉnh Kampot, chạy qua Takeo và tỉnh Kep để tạo điều kiện cho hoạt động giao thông đường thủy.
Ông Sun Chanthol, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Công chính Campuchia, nhận định dự án này sẽ giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan tới thủ tục xuất nhập khẩu qua Việt Nam.
Bộ Thương mại Campuchia công bố dữ liệu ghi nhận từ tháng Một đến tháng Ba năm nay, Campuchia đã vận chuyển số hàng hóa trị giá 759 triệu USD sang Việt Nam, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong giai đoạn này, số hàng hóa Campuchia nhập khẩu từ Việt Nam là 963 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm nay, Việt Nam nổi lên là nguồn khách quốc tế đông nhất tới Campuchia với 46.303 người trong 3 tháng đầu năm. Đứng thứ 2 là Thái Lan với 39.615 người. Trung Quốc rớt khỏi vị trí số 1 khi số lượng người Trung Quốc tới Campuchia trong 3 tháng đầu năm nay giảm còn 9.753 người.
Đứng thứ 3 danh sách khách quốc tế tới Campuchia đông nhất trong năm nay là Mỹ với 8.820 người, Indonesia xếp thứ 4 với 8.578 người. Một số quốc gia khác có số lượng công dân tới Campuchia đông có Pháp, Hàn Quốc, Malaysia và Anh.
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Năm 2022 đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Việt Nam - Campuchia khi hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967 - 24/6/2022) là “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam”, đồng thời cũng là năm kỷ niệm 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Hun Sen (20/6/1977 - 20/6/2022).
Dù gặp những thăng trầm của lịch sử và những biến cố của thời đại, quan hệ Việt Nam - Campuchia vẫn ngày càng trở nên khăng khít, bền chặt, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp, gìn giữ, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.
Minh Thu