Viêm VA mãn tính và những biến chứng bạn không ngờ đến
Không nên để trẻ bị VA mãn tính (ảnh minh họa) |
Hay gặp ở trẻ 6 tháng đến 6 tuổi
BS Trần Thu Thủy, khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Bệnh lý VA thường hay gặp ở trẻ từ 6 tháng tới 6 tuổi. Đặc biệt ở lứa tuổi nhà trẻ mẫu giáo, do lớp học đông, các trẻ bị VA rất dễ lây cho nhau. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng lên các cơ quan khác, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bs Thủy, do VA giúp trẻ tạo kháng thể qua các lần viêm nhiễm, tuy nhiên nếu sức đề kháng giảm, vi khuẩn có thể xâm nhập toàn bộ VA. Lúc này bạch cầu không đủ sức chống chọi sẽ chịu thua, để vi khuẩn cư trú tại đây, sinh sôi nẩy nở và gây viêm bệnh lý. Như vậy, sau nhiều lần nhiễm trùng, VA có thể trở thành ổ chứa vi khuẩn.
Viêm VA được chia thành 2 loại: cấp và mãn tính. Với viêm VA cấp tính thường xảy ra ở trẻ từ 6 – 7 tháng tuổi đến 4 tuổi nhưng cũng có khi gặp ở trẻ lớn hơn.
“Khởi bệnh đột ngột, trẻ bị sốt, 38 – 39 độ C, đôi khi sốt cao đến 40 độ C hoặc không sốt. Triệu chứng quan trọng nhất là ngạt mũi, ngạt nặng dần, ngạt một bên rồi hai bên. Trẻ thở khó khăn, thường phải há miệng thở, thở khụt khịt, khóc hoặc nói giọng mũi kín. Trẻ có thể bỏ bú hoặc bú ngắt quãng vì không thở được bằng mũi” – BS Thủy nói.
Ngoài ra, trẻ cũng bị chảy nước mũi ra phía trước và xuống dưới họng: nước mũi lúc đầu trong về sau đục. VA càng to thì ngạt mũi và chảy mũi càng tăng. Viêm VA phát triển lâu ngày thường dẫn đến chảy nước mũi thường xuyên, nước màu vàng hoặc xanh.
BS Thủy cũng cho biết thêm, sau khi chảy nước mũi trẻ sẽ ho- thường xuất hiện muộn hơn, vào ngày thứ hai hoặc thứ ba. Trẻ ho do khô miệng vì thường xuyên thở bằng miệng hoặc do dịch chảy xuống từ vòm mũi họng, gây viêm họng. Lúc này, trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc, hơi thở có mùi hôi khó chịu thậm chí có thể có rối loạn tiêu hóa: nôn trớ, tiêu chảy.
Trẻ có thể ngưng thở lúc ngủ
“Với trường hợp chẳng may trẻ mắc VA mãn tính thì có 2 dấu hiệu để nhận biết rất rõ đó là chảy nước mũi và ngạt mũi mạn tính. Theo đó, trẻ chảy nước mũi trong hoặc nhày, cũng có thể chảy nước mũi mủ (bội nhiễm). Chảy mũi thường kéo dài. Ngạt mũi có nhiều mức độ, ít thì chỉ ngạt về đêm, nhiều thì ngạt suốt ngày, thậm chí tắc mũi hoàn toàn. Trẻ phải thở bằng miệng, nói hoặc khóc giọng mũi” – BS Thủy cho biết.
BS Thủy cũng lưu ý nếu viêm VA kéo dài, không được điều trị, trẻ bị thiếu oxy mạn tính có thể gây nên những biến đổi đặc trưng như là chậm phát triển thể chất và tinh thần, chậm chạp, kém hoạt bát. Khó ngủ, nghiến răng khi ngủ, ngủ ngáy, ngủ không yên giấc, thường giật mình, đái dầm. Trường hợp nặng có thể xuất hiện những cơn ngừng thở trong lúc ngủ.
Ngoài ra, nếu trẻ bị VA kéo dài để thành mãn tính BS Thủy cho biết điều này sẽ khiến trẻ rối loạn phát triển khối xương mặt: trẻ thường xuyên thở miệng, mũi ít được sử dụng nên qua nhiều năm chóp mũi trở nên nhỏ hơn, mũi tẹt, trán dô.
Trẻ thường mặt dài, hàm trên vẩu, răng hàm trên mọc lởm chởm, hàm dưới hẹp, luôn hở miệng, vẻ mặt kém nhanh nhẹn. Đó là vẻ mặt đặc trưng của trẻ viêm VA, hậu quả của thở miệng kéo dài trong thời kỳ khuôn mặt đang phát triển. Tuy nhiên, theo BS Thủy thì những dấu hiệu này không phải lúc nào cũng đầy đủ.
Các bác sĩ chuyên khoa hô hấp nhấn mạnh viêm VA và viêm Amidan không biến chứng ở trẻ em là quá trình có lợi cho cơ thể vì giúp cho cơ thể hình thành sự miễn dịch cần thiết.
Chúng chỉ trở thành bệnh lý khi tái phát thường xuyên hoặc có biến chứng, nhất là viêm tai giữa. Viêm tai giữa là biến chứng thường gặp của VA với 2 loại viêm tai giữa cấp mủ, là biến chứng của viêm VA cấp và viêm tai giữa thành dịch hoặc mủ nhầy là biến chứng của viêm VA mạn tính.
Do đó, để phòng ngừa bệnh lý VA các bậc phụ huynh cần cho trẻ bú sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Ở môi trường sạch sẽ, thoáng mát, tránh khói bụi, tránh khói thuốc lá, tránh nơi đông người, tránh lạnh, tránh nóng và nên cho bé phơi nắng khi sáng sớm.
Để tránh khô miệng, các bậc phụ huynh có thể đặt máy phun sương trong phòng ngủ của bé, giúp làm ẩm không khí. Ngủ ngáy và ngừng thở khi ngủ đôi khi có thể tránh được nếu đặt trẻ nằm nghiêng hay nằm sấp.