Vì sao số vụ tự tử ở phụ nữ và học sinh Nhật Bản gia tăng?
Số vụ tử tự ở phụ nữ và học sinh Nhật Bản đang gia tăng thời gian gần đây do những áp lực từ dịch bệnh Covid-19.
Theo Bloomberg, số người chết vì tự tử ở Nhật Bản trong tháng Tám gia tăng do có thêm nhiều phụ nữ và học sinh tự kết liễu cuộc đời. Tình trạng này một lần nữa cho thấy những hậu quả đối với sức khỏe tâm thần do dịch Covid-19 gây ra trên toàn cầu.
Nhật Bản là một trong số ít các nền kinh tế lớn trên thế giới công khai số ca tự tử theo thời gian thực và thừa nhận đây là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội.
Học sinh tiểu học ở thành phố Yokohama tới lớp học hồi tháng Tám. (Ảnh: Kyodo) |
Các nhà xã hội học cũng từng đưa ra nhiều cảnh báo về sự rối loạn kinh tế và xã hội liên quan tới các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 có thể là nguyên nhân khiến số người chết vì tự tử nhiều hơn là vì dịch bệnh.
Tại Nhật Bản, tỷ lệ tự tử đã giảm nhưng vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ra những cái chết yểu. Trong năm nay, tự tử đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người so với số ca tử vong vì mắc Covid-19 là dưới 2.000 người. Nói cách khác, số ca tử vong vì tự tử đã cao hơn gần gấp 7 lần so với Covid-19.
Số liệu thống kê từ chính phủ Nhật Bản cũng cho thấy, số ca tự tử trong tháng Tám tăng 15,4% lên con số 1.854 người. Trong đó, phụ nữ tự tử chiếm khoảng 40%. Số học sinh tiểu học cho tới trung học tự tử cũng đã tăng gấp đôi lên con số 59 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, khác với Nhật Bản, những nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa báo cáo số liệu chính thức về số người tự tử trong những năm qua.
“Cập nhật số liệu tự tử có thể giúp nhanh chóng xác định các nhóm có nguy cơ tự tử cao. Nếu các cơ quan chính phủ địa phương có thể xác định nhóm tuổi nào hay nhóm công việc nào đang có xu hướng gia tăng nguy cơ tự tử, các phương pháp ngăn chặn tự tử có thể nhanh chóng được tiến hành”, ông Yasuyuki Sawada, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Á kiêm Giáo sư tại Đại học Tokyo nhận định.
Một nghên cứu được Mỹ công bố hồi tháng Năm đã đưa ra dự đoán khả năng có thêm 75.000 người tử vong trong vòng 10 năm tới do “những cái chết vì tuyệt vọng” dưới tác động từ cuộc khủng hoảng Covid-19. Thuật ngữ “những cái chết vì tuyệt vọng” liên quan tới hành động tự tử và chết vì lạm dụng thuốc.
Tại Ấn Độ, 65% bác sĩ chuyên khoa báo cáo tình trạng gia tăng hành vi tự làm đau bản thân hay có ý định tự tử trong số các bệnh nhân tham gia điều trị kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, theo nguyên cứu được Tổ chức Ngăn chặn Tự tử Ấn Độ công bố hồi tháng Chín.
Không chỉ dịch Covid-19 gây ra tình trạng thất nghiệp gia tăng trên toàn cầu, mà sự đảo lộn trật tự xã hội cùng hoạt động tương tác xã hội bị giới hạn mới là hai nguyên nhân chính khiến sức khỏe tâm thần con người bị ảnh hưởng nặng nề.
Hồi tuần này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, 60% trong 130 quốc gia được cơ quan này tiến hành khảo sát hé lộ thực trạng các tổ chức hỗ trợ sức khỏe tâm thần đã phải dừng hoạt động trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành.
Đáng nói, dịch Covid-19 còn làm xuất hiện một dạng căng thẳng gây chết người tiềm tàng khi mà những cuộc gọi tới các đường dây hỗ trợ chống bạo lực gia đình đã gia tăng do các thành viên vẫn phải ở trong nhà cùng nhau để tránh dịch.
Xét về vấn đề kinh tế, phụ nữ trở thành đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi họ thường làm những công việc bán thời gian tại các cửa hàng bán lẻ và ngành dịch vụ. Phụ nữ chiếm 66% tỷ lệ mất việc thời gian gần đây ở Nhật Bản.
Ngay tại Hàn Quốc, tỷ lệ phụ nữ tự tử cũng đã gia tăng trong tháng 3,4,6 dù tổng số ca tự tử trong từ tháng 1 – 7 năm nay đã giảm so với năm ngoái.
Ông Paik Jong-woo, người đứng đầu Trung tâm Ngăn chặn Tự tử tại Hàn Quốc nhận định, nói chung sự muộn phiền xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ, còn nam giới lại nghiện rượu nhiều hơn. Do đó, dịch bệnh kéo dài có thể khiến tỷ lệ phụ nữ tự tử gia tăng.
Theo ông Toshihiko Matsumoto, một quan chức thuộc Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia Nhật Bản, trong giai đoạn dịch bệnh, cần tạo ra những không gian riêng để mọi người có thể tránh xa áp lực gia đình nhưng vẫn tránh tập trung nơi đông người để ngăn chặn nguy cơ lây lan của virus corona chủng mới.
Tuy nhiên, những trường hợp trẻ em tự tử lại xuất phát từ những nguyên nhân phức tạp. Trong đó, hai nguyên nhân chính là áp lực từ dịch bệnh khi mà các trường học đóng cửa và các hoạt động ngoại khóa không thể tổ chức, kèm theo áp lực từ những bậc phụ huynh cũng đang bị căng thẳng.
Tại Nhật Bản, khi nền kinh tế bắt đầu tái mở cửa, một bộ phận người dân đã bị bỏ lại phía sau đó là những công nhân bị tạm thôi việc và những người tiếp tục phải ở trong nhà tránh dịch. Các trường học hoạt động trở lại vào tháng Sáu sau 3 tháng đóng cửa cũng là lúc số báo cáo về tình trạng bắt nạt và áp lực đuổi kịp chương trình học gia tăng.
Ông Hiroyuki Nishino, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ trẻ em mang tên Tamariba cho hay, trẻ em gặp nhiều áp lực khi có gắng theo kịp chương trình học. Sự gián đoạn mà Covid-19 gây ra đã làm khơi dậy hiện tượng thâm căn cố đế có tên futōkō, nghĩa là trẻ em từ chối tới trường học. Đây chính là những đối tượng có tỷ lệ cao tự tử.
“Chúng ta chắc từng nghe những đứa trẻ mới khoảng 5 tuổi nói về chuyện tìm tới cái chết hoặc muốn biến mất”, ông Nishino nói.
Theo Lifelink, một tổ chức phi lợi nhuận ở Tokyo chuyên hỗ trợ các trường hợp tự tử qua đường dây điện thoại cho biết, khoảng 20% cuộc gọi mà tổ chức này nhận được từ tháng 5 – 8 là từ trẻ em học cấp 1, 2 và 3.
Hồi tháng Bảy, chính phủ Nhật Bản đã chi thêm khoản ngân sách bổ sung 1,1 tỉ yen để ngăn chặn tình trạng tự tử, sau khoản ngân sách cao kỷ lục 2,6 tỉ USD được phê chuẩn hồi tháng Tư.
Song theo WHO, ở nhiều nơi, các cơ quan chăm sóc sức khỏe tâm thần không được chú trọng đầu tư kinh phí, dù nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ cần đầu tư 1 USD vào vấn đề giảm căng thẳng và lo lắng có thể thu lại 5 USD hiệu suất kinh tế.
Vì sao Nhật Bản muốn tăng chi tiêu quân sự lớn nhất trong 20 năm qua?
Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn tăng mức chi tiêu quốc phòng thêm 8,3%, mức tăng lớn nhất trong hơn 20 năm qua, để đối phó với loạt thách thức an ninh.
Minh Thu (lược dịch)