Hé lộ nơi ẩn náu của quan chức Triều Tiên mất tích bí ẩn suốt 2 năm
Một quan chức ngoại giao cấp cao Triều Tiên đã biến mất khỏi Italy vào cuối năm 2018 được xác định đang sống bí mật ở Hàn Quốc kể từ tháng 7/2019.
Theo tờ New York Times, đây là thông được các thành viên thuộc Ủy ban tình báo Quốc hội Hàn Quốc công bố hôm 7/10.
Vào năm 2018, nhà ngoại giao Triều Tiên có tên Jo Song Gil 48 tuổi đang nắm chức quyền đại sứ Triều Tiên tại Rome đã cùng vợ biến mất một cách bí ẩn chỉ trước vài ngày ông này có kế hoạch trở về Bình Nhưỡng vào tháng 11 cùng năm. Nơi ở của ông Jo sau khi ông bất ngờ biến mất vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời. Ông Jo trở thành một trong những nhà ngoại giao cấp cao nhất của Triều Tiên mất tích bí ẩn.
Ông Jo Song Gil (vòng tròn trắng) đã bất ngờ biến mất khỏi Rome khi đang giữ chức quyền đại sứ Triều Tiên ở Italy hồi năm 2018. (Ảnh: AP) |
Trong hoàn cảnh hiện nay, thông tin ông Jo đang sống bí mật tại Hàn Quốc kể từ tháng 7/2019 có nguy cơ đẩy quan hệ Hàn – Triều trở nên căng thẳng hơn, sau loạt sự kiện như Triều Tiên cho phá văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc tại thành phố biên giới Kaesong và gần đây một viên chức Hàn Quốc bị binh sĩ Triều Tiên bắn chết khi đang trôi nổi trong vùng biển Triều Tiên.
Việc các nhà ngoại giao đào tẩu là một trong những vấn đề mang tính nhạy cảm đối với Bình Nhưỡng, bởi Triều Tiên lo ngại hành động này sẽ cho thế giới thấy một bộ phận quan chức không trung thành với nhà lãnh đạo. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc có thể thu thập được nhiều thông tin từ các nhà ngoại giao Triều Tiên đào tẩu như cách Triều Tiên thu ngoại tệ thông qua những hành động vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Ông Ha Tae-keung, một nghị sĩ đảng đối lập Hàn Quốc đã chia sẻ trên Facebook hôm 7/10 rằng, ông Jo tới sống ở Hàn Quốc được 15 tháng và đang được chính phủ Hàn Quốc bảo vệ. Ông Ha hiện cũng là một thành viên cấp cao của ủy ban tình báo Quốc hội Hàn Quốc và thường tiết lộ cho truyền thông những báo cáo mật của Quốc hội được Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc trình lên.
Thông tin được ông Ha công bố chỉ sau vài giờ kênh truyền hình cáp JTBC của Hàn Quốc đưa tin, ông Jo đã đào tẩu sang Hàn Quốc. JTBC dẫn lời các nguồn tin tình báo giấu tên xác nhận cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên đã đào tẩu.
Song trong ngày 7/10, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho hay, “chưa thể xác nhận” thông tin báo chí đăng tải cũng như tuyên bố của ông Ha.
Còn ông Jeon Hae-cheol, một nghị sĩ của đảng Dân chủ cầm quyền và người đứng đầu ủy ban tình báo Quốc hội Hàn Quốc công bố, ông Jo đã tới Seoul theo ý muốn cá nhân, nhưng chính phủ Hàn Quốc vẫn giữ bí mật về thông tin này để đảm bảo an toàn cho người thân của ông Jo ở Triều Tiên.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội hôm 7/10, một nghị sĩ đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha về vai trò của cơ quan ngoại giao quốc gia đối với vụ đào tẩu của ông Jo. Bà Kang nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc “đã làm những gì có thể”, nhưng bà Kang không xác nhận ông Jo đang có mặt ở Seoul hay không.
Ông Jo trở thành quan chức cấp cao nhất trong chính phủ Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc kể từ khi ông Hwang Jang-yop, cựu Bí thư đảng Lao động Triều Tiên bỏ trốn sang Hàn Quốc thông qua Đại sứ quán Hàn Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào năm 1997.
Một quan chức ngoại giao cấp cao khác của Triều Tiên cũng đào tẩu sang Hàn Quốc là ông Thae Yong Ho, phó đại sứ tại Đại sứ quán Triều Tiên ở London. Ông Thae bỏ trốn sang Seoul vào năm 2016 cùng với vợ và 2 con trai.
Trong nhiều năm qua, một số nhân vật có tiếng ở Triều Tiên như ông Hwang và ông Thae công khai thông tin đào tẩu khỏi quê hương để tới Hàn Quốc. Nhưng nhiều trường hợp lại muốn giấu bí mật để bảo vệ người thân vẫn ở lại Triều Tiên. Do đó, các cơ quan tình báo Hàn Quốc quyết định không công khai thông tin về họ. Khi một quan chức ngoại giao được cử đi nước ngoài công tác, Triều Tiên thường yêu cầu họ để lại con ở quê hương để đề phòng họ đào tẩu.
Điển hình là trường hợp ông Jo và vợ cùng con gái sống ở Rome. Nhưng khi ông Jo và vợ bỏ trốn, họ không thể mang theo con gái. Italy sau đó cho biết, con gái của ông Jo đã được chính phủ Triều Tiên đưa về nước.
Ông Thae từng nhận định rằng, ông Jo có thể tiếp tục giữ bí mật về việc đào tẩu, cũng như nơi ở hiện tại để bảo vệ an toàn cho con gái bị đưa về Triều Tiên. Cũng theo ông Thae, bố đẻ và bố vợ ông Jo cũng từng là những đại sứ của Triều Tiên.
Cho tới nay, nguyên nhân gì khiến ông Jo bỏ trốn vẫn chưa được công khai. Ông này được cử tới Rome vào tháng 5/2015. Ông Jo giữ chức quyền đại sứ Triều Tiên tại Rome sau khi Italy trục xuất đại sứ Mun Jong Nam vào năm 2017 để phản đối hành động Triều Tiên cho tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6.
Sự biến mất của ông Jo là ẩn số cho tới khi một tờ báo Hàn Quốc đưa tin vào năm 2019 cho rằng, ông Jo đã xin tị nạn ở phương Tây. Vào tháng 8/2019, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho hay, ông Jo vẫn an toàn ở “một nơi nào đó” ngoài Italy.
Hiện Triều Tiên chưa lên tiếng bình luận về sự việc liên quan tới ông Jo. Kể từ giữa thập niên 90, hơn 30.000 công dân Triều Tiên đã rời bỏ quê hương để đào tẩu sang Hàn Quốc.
Vì sao Triều Tiên không vội tái mở cửa biên giới?
Năng lực đối phó với dịch Covid-19 chỉ có hạn khiến Triều Tiên được cho là một trong những quốc gia sẽ tái mở cửa biên giới muộn hơn so với các nước khác.
Minh Thu (lược dịch)