Vì sao huyết áp tăng vọt khi đi tiêm vắc xin?
Nhiều người phải bỏ qua lượt tiêm vắc xin vì tăng huyết áp đột ngột tại điểm tiêm chủng do tâm lý quá căng thẳng khi tiêm vắc xin
Bác sĩ gợi ý 5 thực phẩm nên ăn nhiều trước và sau tiêm vắc xin
Hà Nội và TP.HCM sắp bước vào đợt tiêm chủng lịch sử, việc chuẩn bị dinh dưỡng thật tốt trước khi đi tiêm chủng sẽ giúp cơ thể khỏe hơn, đỡ mệt mỏi hơn.
Anh Nguyễn Minh Hải (Hà Nội) cho biết vài ngày trước anh đi tiêm vắc xin và phải quay về vì lý do huyết áp tăng đột ngột. Trước đó, mỗi lần kiểm tra sức khoẻ huyết áp của anh rất bình thường nhưng khi đến bệnh viện tiêm huyết áp tăng 150/120 mmhg. Chỉ số này quá cao không thể tiêm vắc xin. Sau khi anh ngồi đợi 10 phút thì chỉ số này chỉ giảm xuống 149/117 mmhg. Cuối cùng sau 3 lần đo huyết áp anh đành phải ra về vì không thể tiêm được.
Nhưng về nhà buổi tối anh Hải lấy máy đo huyết áp của bố anh ra đo thử thì huyết áp lại trở về bình thường 120/80 mmhg. Anh Hải cho biết anh làm ở một bệnh viện tư nhân, từ khi có danh sách tiêm chủng anh đã rất đắn đo có nên tiêm chủng hay không và tâm lý khá căng thẳng. Nhưng sau khi bạn bè, đồng nghiệp tiêm xong, anh Hải lại thấy “tiếc” vì mình đã bỏ qua cơ hội tiêm chủng và phải chờ đợi chỉ vì quá hồi hộp.
BS Nguyễn Anh Tuấn (TP.HCM) tham gia công tác tiêm chủng tại thành phố này chia sẻ đa số các biến cố sau tiêm chủng đều không phải do tác dụng phụ hay phản ứng dị ứng với vắc xin. Các phản ứng sau tiêm thường là do hiện tượng cường hệ thống thần kinh phó giao cảm (hay còn gọi là thần kinh phế vị) do nhiều yếu tố như tâm lý quá lo lắng, mệt mỏi, mất ngủ, nhịn ăn uống lâu… và thường sẽ tự hồi phục mà không cần biện pháp điều trị đặc biệt nào.
Ảnh tiêm vắc xin tại TP.HCM. |
Có những người bệnh chưa tiêm mà nhịp tim đập nhanh thậm chí ngất trước khi tiêm, huyết áp tăng, căng thẳng, vã mồ hôi vì sợ tiêm.
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cơ sở 3 cho biết chỉ số huyết áp ở người khỏe mạnh thường ghi nhận trong khoảng 120/80 mmHg.
Một số người huyết áp bình thường ở nhà, nhưng tăng nhẹ khi gặp bác sĩ tại bệnh viện hoặc phòng khám, chỉ số huyết áp đo được tại phòng khám ≥ 140/90 mmHg, tình trạng này gọi là “Tăng huyết áp áo choàng trắng”. Nguyên nhân của Tăng huyết áp áo choàng trắng là do lo lắng và căng thẳng, tâm lý không ổn định. Trong đợt tiêm vắc xin Covid-19 này có rất nhiều người rơi vào hiện tượng tăng huyết áp đột ngột vì tâm lý lo lắng.
Để phòng ngừa hiện tượng tăng huyết áp trước ngày tiêm, theo bác sĩ Mẫn, mọi người cần chuẩn bị thật kỹ trước ngày tiêm:
Ngày trước khi tiêm:
Nên ngủ sớm các ngày trước đó, tránh thức khuya.
Tránh làm việc căng thẳng quá mức, thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
Không sử dụng các chất kích thích như: rượu bia, cà phê, hút thuốc lá,… đặc biệt là trước ngày đi tiêm vắc xin.
Kiểm soát chặt chẽ huyết áp nếu đã được chẩn đoán Tăng huyết áp trước đây, uống thuốc duy trì và khai thông tin với cơ quan y tế tiêm chủng.
Ổn định tâm lý: Do hiện nay có rất nhiều bài báo nói về các tác dụng không mong muốn cũng như các sự cố sau khi tiêm ngừa, nên nhiều người mang tâm lý hoài nghi và căng thẳng khi tiêm. Người dân trước khi tiêm ngừa cần đọc và tham khảo các nguồn tin chính thống, từ các chuyên gia uy tín để không bị xao động tâm lý và bình tĩnh trước khi tiêm.
Ngày tiêm vắc xin:
Thư giãn, ngồi nghỉ 15 -30 phút trước khi đo huyết áp.
Nếu sau khi đo huyết áp lần 1, khi được thông báo huyết áp cao hoặc mạch nhanh có thể thực hiện một số việc sau trước khi quay lại đo lần 2:
Thực hành giảm căng thẳng (hít sâu thở sâu, đều, chậm rãi khoan thai)
Phân tâm (nhẩm theo 1 bài thơ yêu thích, nghe 1 bài nhạc du dương)
Di chuyển đến một khu vực yên tĩnh.
Trường hợp đã thực hiện những điều trên huyết áp vẫn không trở về bình thường, bác sĩ khám sàng lọc sẽ hẹn lại một lần khác, hoặc hẹn tiêm ngừa ở các bệnh viện để thuận lợi xử trí nếu xảy ra các biến cố.
Sau khi về nhà, bác sĩ Mẫn khuyến cáo cần tự theo dõi huyết áp trong 2-3 ngày tiếp theo. Nếu huyết áp vẫn cao, người dân cần đi khám chuyên khoa tim mạch. Nếu huyết áp bình thường, người dân có thể liên hệ tiêm ngừa lại và tập thực hành các bài thư giãn và chú ý các chế độ sinh hoạt trước ngày tiêm.
Sau khi vừa tiêm vắc xin xong, nên ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm. Người > 65 tuổi và người mắc bệnh mạn tính có thể ở lại 60 phút.
1. Sau khi tiêm cần ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để theo dõi sức khỏe.
2. Không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm.
3. Tiếp tục theo dõi ít nhất 07 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: Toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm để phát hiện các biểu hiện bất thường và đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.
4. Vắc xin COVID-19 thông thường sau khi tiêm có thể có phản ứng thường gặp như sưng, nóng, đỏ, đau, ngứa nơi tiêm, khó chịu, mệt mỏi, sốt (rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt ≥ 38°C), ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn, đau khớp, mỏi cơ, chán ăn, đau bụng, hạch to, đổ nhiều mồ hôi, phát ban.
5. Cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao (≥39°C) liên tục, tím tái, khó thở, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, vật vã, lừ đừ.... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng.
K.Chi