Vì sao Bộ Y tế đề xuất nới lỏng quy định sinh con?
![]() |
Bộ Y tế đề xuất giải pháp nới lỏng quy định sinh con, để vợ chồng tự quyết định số con, thời gian sinh con. Ảnh minh họa. |
Theo Bộ Y tế, Pháp lệnh Dân số hiện hành còn nhiều hạn chế, tồn tại cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Một trong những nội dung lớn được quan tâm tại dự thảo Luật Dân số là quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động về dân số, kế hoạch hóa gia đình.
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết, trước những hạn chế này, Bộ Y tế đã đưa ra hai phương án cụ thể, mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm, nhưng sau khi phân tích, các nhà làm luật nghiêng về phương án thứ nhất.
Theo ông Quang, phương án 1 có nội dung: Các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con.
Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến hai con. Quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước. Giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao, duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế, khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con ở nơi có mức sinh thấp.
Ưu điểm của giải pháp này, theo ông Quang, là tôn trọng, đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền sinh sản theo tinh thần hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật;
Phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến công tác dân số; Phù hợp với các cam kết chính trị mà Việt Nam đã đưa ra tại diễn đàn đa phương về quyền sinh sản.
Trong khuôn khổ đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2014, Việt Nam đã ủng hộ Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển năm 1994, trong đó có quyền sinh sản, được hiểu là việc các cặp đôi và cá nhân có quyền quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con.
Ông Quang cũng cho rằng giải pháp này phù hợp với hiện nay khi đã thành công trong việc duy trì mức sinh thay thế liên tục trong 10 năm qua. Thời gian này cần để các địa phương chủ động trong việc điều chỉnh mức sinh.
Ví dụ như ở Lai Châu mức sinh là 3,11 con/phụ nữ, Hà Giang 2,93 con/phụ nữ nhưng TP.HCM chỉ đạt 1,45 con/phụ nữ, Bà Rịa Vũng Tàu đạt 1,56 con/phụ nữ. Nhìn vào con số này, các tỉnh cần tự điều chỉnh, tránh nguy cơ suy giảm dân số.
TS Quang cho rằng nhược điểm của giải pháp này đó là nhà nước khó kiểm soát được mức sinh, phải chi phí tốn kèm cho tuyên truyền, vận động chính sách, khuyến khích lợi ích vật chất cho người thực hiện. Chính sách này có thể làm tăng mức sinh.
Giáp pháp thứ 2, Bộ Y tế đề ra, đó là giữ quy định hiện hành để các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và nghĩa vụ tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian và khoảng cách sinh con. Sinh một hoặc hai con trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Quy định này rõ ràng, tạo điều kiện cho cá nhân, cặp vợ chồng thực hiện tuyên truyền, vận động, thuận lợi cho tổ chức thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình nhưng không phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến công tác dân số.
Ngoài ra, nó cũng không phù hợp với mức sinh hiện tại của cả nước và trong tương lai khi mức sinh xuống quá thấp và chuyển sang chính sách khuyến sinh.
Trước những nhược điểm và ưu điểm của các giải pháp, ông Quang cho biết Bộ Y tế chọn giải pháp thứ nhất, đó là nới lỏng quy định sinh con. Bởi vì, kinh nghiệm của các nước trên thế giới đi trước cho thấy khi đạt mức sinh thay thế, nếu chậm nới lỏng các biện pháp kiểm soát sinh sản thì mức sinh sẽ giảm xuống mức thấp, khó kéo lên được, dân số suy giảm để lại hậu quả bất lợi cho kinh tế xã hội và sự phát triển bền vững trong tương lai.